11 mỏ khoáng lộ thiên ấn tượng nhất thế giới nhìn từ trên cao

Thứ hai, 4/5/2020 | 09:50 GMT+7
Theo trang Mining Global, dưới đây là danh sách những mỏ khoáng lộ thiên lớn nhất, ấn tượng nhất và ngoạn mục nhất thế giới trong ngành công nghiệp khai khoáng hiện nay.

Mỏ đồng Escondida, Chile

Nằm trên vùng đất rộng lớn của sa mạc Atacama thuộc Chilê, mỏ đồng Escondida là một trong những mỏ lộ thiên lớn nhất thế giới. Escondida gồm hai mỏ lộ thiên là Escondida và Escondida NORTA, dài 3,9 km, rộng 2,7 km và sâu 645m. Escondida cũng được biết đến là mỏ lộ thiên sâu nhất thế giới.

Mỏ kim cương Udachny, Nga

Mỏ kim cương Udachny nằm ở khu vực Đông Seberia là một trong những mỏ lộ thiên lớn nhất nước Nga, cũng là một trong những mỏ lớn nhất và sâu nhất thế giới. Mỏ Udachny được đưa vào khai thác từ năm 1971 dưới sự quản lý của Công ty ALROSA – một công ty trực thuộc chính phủ Nga và dự kiến sẽ ngừng khai thác lộ thiên vào năm 2015 để tập trung khai thác ngầm dưới lòng đất và sản xuất thương mại. Theo ALROSA, trữ lượng kim cương trong mỏ ước tính khoảng 108 triệu carat.

Mỏ đồng Chuquicamata, Chile

Mỏ đồng Chuquicamata nằm ở Santiago, Chile đã bắt đầu đi vào hoạt động từ hơn một thế kỷ trước với sản lượng khai thác khổng lồ mỗi năm.

Chuquicamata là mỏ đồng sâu thứ hai trên thế giới với hơn 850 m chiều sâu. Codelco, công ty quản lý khai thác Chuquicamata cho biết, trữ lượng đồng ước tính của mỏ ở khoảng 1,7 tỷ tấn.

Mỏ vàng Grasberg, Indonesia

Với độ sâu 550m, Grasberg không chỉ được biết đến là mỏ vàng lớn nhất thế giới, mỏ đồng lớn thứ hai trên thế giới mà còn là một trong những mỏ khoáng lộ thiên sâu nhất thế giới.

Mỏ vàng Grasberg nằm gần ngọn núi Puncak Jaya thuộc tỉnh Papua (Indonesia) do Tập đoàn Freeport McMoRan Copper & Gold Inc sở hữu, bao gồm cả mỏ lộ thiên, mỏ ngầm khai thác vàng, bạc và đồng.

Mỏ sắt Hull Rust Mahoning, Bắc Mỹ

Được mệnh danh là “Grand Canyon của Bắc Mỹ”, mỏ Hull-Rust-Mahoning là một mỏ khai thác ngầm nhưng sau đó được chuyển thành mỏ lộ thiên với chiều dài 8 km, rộng 3,2 km và sâu 180m.

Từ năm 1895 đến nay, Hull-Rust-Mahoning đã khai thác được hơn 800 triệu tấn quặng sắt, đào lên hơn 1,4 tỷ tấn đất đá trên tổng diện tích 2000 hecta. Ngày nay, mỏ khoáng khổng lồ này đã trở thành khu bảo tồn quốc gia của bang Minnesota.

Mỏ kim cương Diavik, Canada

Được xây dựng vào năm 2003, mỏ kim cương Diavick ở Canada là một trong những mỏ lộ thiên lớn nhất trên thế giới với gần 7 km chiều rộng và sản lượng khai thác đạt gần 8 triệu carat 1 năm. Mỏ Diavik nằm trên một hòn đảo giữa hồ Lac de Gras thuộc vùng lãnh thổ Tây Bắc của Canada.

Mỏ kim cương Kimberly, Nam Phi

Mỏ kim cương Kimberley còn được gọi là Hố Lớn vì nó là cái hố được đào thủ công lớn nhất trên thế giới với chu vi miệng hố là 1,5 km vầ sâu hơn 200m.

Mặc dù đã ngừng khai thác từ năm 1914 nhưng chiếc hố khổng lồ này vẫn luôn thu hút khách du lịch từ khắp nơi và đang được xem xét để trở thành một di sản của nhân loại

Mỏ vàng Super Pit, Australia

Mỏ vàng Super Pit nằm ở thành phố Kalgoorlie, phía Tây Australia. Đây là mỏ lộ thiên lớn nhất của quốc gia này và là một trong ba mỏ lộ thiên lớn nhất thế giới với 3.8 km chiều dài, 1.5 km chiều rộng và sâu khoảng 600m. Super Pit thuộc đồng sở hữu của hai tập đoàn khai thác vàng Barrick Gold và Newmont Mining.

Mỏ kim cương Mir, Nga

Mỏ kim cương Mir hay thường được biết đến với tên Mirny nằm ở miền Đông Seribia nước Nga. Mỏ hoạt động từ năm 1957 đến năm 2001 với sản lượng bình quân hàng năm là 10 triệu carat. Hiện nay, mỏ đã ngừng hoạt động nhưng nó vẫn là một trong những mỏ lộ thiên lớn nhất, ấn tượng nhất trên thế giới với chiều sâu 525 m và đường kính lên tới 1.200 m.

Mỏ đồng Bingham Canyon, Mỹ

Nằm ở phía Tây Nam của thành phố Salt Lake thuộc tiểu bang Utah nước Mỹ, mỏ đồng Bingham được biết đến là mỏ khai thác lộ thiên đẹp nhất và lớn nhất thế giới với độ sâu tới 1,2 km và đường kính 4 km, điều đó có nghĩa là phải chồng 2 toà tháp Sear Tower ở Chicago mới chạm được đến đáy của nó.

Mỏ được phát hiện vào năm 1848 và bắt đầu khai thác vào năm 1906 với sản lượng hàng triệu ounce vàng, bạc và kim loại, lớn hơn bất kỳ mỏ nào trên thế giới.

Hố gas Darvaza - Turmenistan

Năm 1971, các nhà địa chất phát hiện mỏ khí ngầm ở vùng Darvaza. Trong khi khai thác, một vụ sập đã tạo ra chiếc hố khổng lồ. Để ngăn tình trạng khí độc giải phóng người đã đốt nó và đến nay hố gas Darvaza vẫn tiếp tục cháy, tạo ra cảnh tượng độc nhất vô nhị trên hành tinh.

Theo Ngaynay