1.600 trường tại Hà Nội tham gia chương trình tái chế học đường

Thứ năm, 1/10/2020 | 11:33 GMT+7
Tiếp nối thành công từ các năm trước, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với nhà cung cấp hộp giấy đựng đồ uống Tetra Pak đã triển khai mở rộng quy mô chương trình tái chế học đường lên tới 1.600 trường tiểu học, mầm non trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong năm học 2019 – 2020, chương trình đã được triển khai cho gần 1.200 trường tiểu học và mầm non tại 18 quận huyện TPHCM và 19 quận huyện TP Hà Nội, thu hút gần 3.000 giáo viên và 800.000 học sinh tại hai thành phố tham gia cũng như triển khai hơn 20 buổi tập huấn và tuyên truyền. Chương trình đã thu gom 269 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp để đưa đi tái chế.

Chương trình tái chế học đường năm nay đã được mở rộng quy mô tới 1.600 trường trên địa bàn TP Hà Nội và sẽ tiếp tục hướng dẫn các em học sinh cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán kín miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp giấy sau đó được Công ty Lagom thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về nhà máy Giấy Đồng Tiến tại Bình Dương để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm lợp và tấm phẳng sinh thái.

Học sinh các trường được hướng dẫn xử lý vỏ hộp sữa để đem đi tái chế

Theo ông Lê Trung Thông, Giám đốc Công ty Lagom, chất thải rắn có thể tái chế được coi là nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp. Giấy, nhựa hay nhôm sau khi sử dụng nếu được phân loại đúng cách sẽ đảm bảo chất lượng cần thiết cho việc tái chế. Mô hình tái chế học đường tại Hà Nội là rất cần thiết bởi hoạt động tái chế vốn còn rất sơ khai tại Việt Nam, thành công của chương trình góp phần gìn giữ tài nguyên và bảo vệ môi trường, giảm chi phí xử lý chất thải rắn.

Chị Lã Thị Hương Giang, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi rất lớn trong nhận thức và hành động của các em học sinh cũng như giáo viên tham gia chương trình. Các em học sinh đã hình thành một thói quen mới, không vứt vỏ hộp giấy sau khi uống xong mà tự giác xử lý và để đúng nơi quy định để đem đi tái chế. Bản thân các thầy cô tham gia chương trình cũng nhận thấy sự cần thiết của việc phân loại rác tại nguồn và nhiều thầy cô cũng thực hiện phân loại rác tại nguồn tại nhà. Đây là những hiệu ứng lan tỏa hết sức tích cực mà chương trình đã mang lại”.

Đánh giá về tính hiệu quả của chương trình, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở hy vọng chương trình sẽ tiếp tục được nhân rộng triển khai không chỉ tại Hà Nội mà còn nhiều tỉnh, thành và địa phương khác. Không chỉ tại nhà trường mà còn tại từng hộ gia đình, văn phòng để ý thức phân loại rác tại nguồn trở thành hành động chung của cộng đồng.

Bên cạnh chương trình tái chế học đường, Công ty Tetra Pak đang liên tục mở rộng mạng lưới các điểm thu gom vỏ hộp giấy đã qua sử dụng tại nơi công cộng để đưa đi tái chế. Mặt khác, công ty của Thụy Điển này còn kết hợp với 08 nhà sản xuất đồ uống và thực phẩm hàng đầu Việt Nam để sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu là toàn bộ bao bì của các doanh nghiệp thành viên trong Liên minh sẽ được tái chế vào năm 2030.

Gia Linh