Năng lượng sạch

Agribank cung cấp vốn để Bình Thuận sử dụng điện mặt trời sản xuất thanh long

Thứ tư, 19/9/2018 | 09:07 GMT+7
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tại tỉnh Bình Thuận vừa ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai gói tín dụng sử dụng hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Bình Thuận.

Thoả thuận được ký kết giữa 3 bên là: Agribank Bình Thuận, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) và Trung tâm phát triển và ứng dụng công nghệ môi trường.

Theo thỏa thuận, Trung tâm phát triển và ứng dụng công nghệ môi trường sẽ triển khai thí điểm hệ thống phát điện độc lập, lai ghép pin mặt trời và tuabin gió 3 pha hoạt động on/off-grid phục vụ cho cây thanh long (gọi tắt là chương trình 240).

Agribank Bình Thuận tài trợ vốn cho các nhà cung cấp hệ thống điện mặt trời, các khách hàng mua hệ thống điện mặt trời và các thiết bị, vật tư khác phù hợp với quy chế cấp tín dụng hiện hành của Agribank cũng như quy định của pháp luật. Trong khi đó, ABIC tham gia bảo hiểm bảo an tín dụng, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm sản lượng điện tạo ra cho khách hàng của chương trình 240.

Thanh long hiện là cây trồng chủ lực của Bình Thuận. Việc thắp sáng bóng đèn kích thích ra hoa trái vụ đã được áp dụng từ nhiều năm qua để cung cấp trái thanh long cho thị trường quanh năm, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, vào thời gian cao điểm, sản lượng điện cung ứng của EVN không đáp ứng so với nhu cầu chong đèn. Vì vậy, giải pháp hệ thống phát điện độc lập, lai ghép pin mặt trời và tuabin giá 3 pha hoạt động on/off được kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu thiếu điện chong đèn cho cây thanh long tại Bình Thuận. Với điều kiện khí hậu 9 tháng mùa khô, số giờ nắng trong năm trên 2.800 giờ, vận tốc gió trên 3m/s, Bình Thuận có nhiếu tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo này.

Ông Huỳnh Tấn Nam, Giám đốc Agribank Bình Thuận nhấn mạnh, việc ký kết thỏa thuận hợp tác này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần phát triển nguồn năng lượng sạch phục vụ việc chong đèn để cây thanh long ra hoa trái vụ. Việc ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế của việc trồng thanh long và giảm phụ tải tiêu thụ cho ngành điện trong thời kỳ cao điểm. Triển khai hiệu quả chương trình này sẽ là bước ngoặt trong việc đưa cây thanh long trở thành cây trồng chủ lực, bền vững theo hướng áp dụng công nghệ cao tại Bình Thuận.

Hải Long