Đời sống, xã hội

An toàn thực phẩm là mối quan tâm xã hội hàng đầu của phần lớn người Việt

Thứ sáu, 7/2/2020 | 11:21 GMT+7
Báo cáo phát triển Việt Nam 2019 công bố một cuộc khảo sát về các mối quan tâm xã hội giữa các hộ gia đình ở TP Hà Nội và TPHCM. Trong đó nhấn mạnh rằng, an toàn thực phẩm là mối quan tâm số một, vượt xa các vấn đề ô nhiễm, dịch vụ xã hội, tiếp cận giáo dục và các vấn đề khác.

Tại nhiều thành phố ở Việt Nam, 89% người được hỏi phản hồi rằng thực phẩm địa phương không an toàn, trong đó 30% người tiêu dùng có thu nhập trung bình đến cao lo lắng và 67% là cực kì lo lắng về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thói quen tiêu thụ thực phẩm tươi sống và mua sắm tiện lợi vẫn là thách thức lớn trong kết nối và phân phối của kinh tế Việt Nam.

Ở các khu vực thành thị, thu nhập tăng dẫn đến thay đổi về chế độ ăn uống, thực phẩm tươi sống chiếm 2/3 chi tiêu dành cho thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu, số lượng thực phẩm tươi sống tăng lên nhanh chóng nhưng việc sản xuất và phân phối thực phẩm vẫn diễn ra lẻ tẻ, cá nhân hóa cao, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc. Phần lớn thực phẩm tươi ở Việt Nam được phân phối và tiêu thụ tại các chợ và sạp hàng nhỏ nên các vấn đề về vệ sinh thực phẩm, bảo quản và xử lý thực phẩm hư hỏng rất khó kiểm soát.

Tính đến năm 2017, Việt Nam chỉ có hơn 1.000 siêu thị nhưng có đến 426.000 quầy hàng/ki-ốt đường phố với tổng doanh thu cao gấp 23 lần so với siêu thị. Các cửa hàng truyền thống vẫn được ước tính chiếm 95% doanh số thực phẩm bán lẻ toàn quốc, ngoại trừ TPHCM có 15% các cửa hàng bán lẻ hiện đại. Do vậy, dù có nhu cầu cao với nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn nhưng nguồn cung ở các siêu thị không đủ, người dân vẫn phải tiếp tục mua thực phảm ở các chợ tạm.

Số lượng thực phẩm tươi sống đảm bảo an toàn không đủ với nguồn cầu

Ngoài sở thích đối với thịt “ấm”, sự tiện lợi, gần gũi và giá cả phải chăng luôn thu hút được người tiêu dùng đến các khu chợ truyền thống. Đối với người tiêu dùng thành thị, chợ thực phẩm tươi sống truyền thống và chợ tạm có vị trí thuận tiện, cung cấp nhiều loại trái cây, rau củ và thịt vô cùng tươi ngon, kích cỡ bao bì linh hoạt và có thể thương lượng giá cả. Điều này càng khiến cho vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm được nâng cao nhưng cũng đặt ra thách thức lớn trong việc đưa ra các biện pháp giải quyết phù hợp.

Chính phủ đã đưa ra một loạt quy định và hướng dẫn xung quanh chuỗi thị trường cho thực phẩm tươi dễ hư hỏng nhưng vẫn có nhiều bất cập trong quá trình thực thi. Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra sự thiếu hiệu quả trong chuỗi giá trị nội địa đối với thực phẩm tươi cũng như những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm và quản lý môi trường.

Trước tình trạng đó, nhóm chuyên gia kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới đưa ra giải pháp trong Báo cáo phát triển Việt Nam 2019. Các chuyên gia nhận định, những vấn đề kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng liên quan có thể sẽ tiếp tục gia tăng theo thời gian, cùng với những thay đổi chế độ ăn uống do nguồn thực phẩm ngày càng khó kiểm chứng. Do đó, điều quan trọng là phải rà soát toàn bộ chuỗi thực phẩm tươi dễ hư hỏng về mọi mặt, từ khung pháp lý, đầu tư vào kết cấu hạ tầng chợ, đến dịch vụ vận tải và logistics, cũng như hệ thống thực thi quy định.

Kim Bảo