02_Tintuc_NewsDetail -3Col

Bài toán thu hút nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời

Thứ sáu, 9/2/2018 | 09:48 GMT+7
Phát triển nguồn điện từ năng lượng gió và mặt trời là xu hướng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Làm thế nào để thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực phát triển những nguồn năng lượng tái tạo này hiện vẫn là một vấn đề cần được quan tâm.

Tiềm năng lớn nhưng nhiều thách thức

Khai thác điện gió và điện mặt trời ở nước ta mới ở giai đoạn khởi động do vậy việc đầu tư vào các nguồn năng lượng này là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư. Đó là cơ hội bởi vì nhà đầu tư không phải lo giải quyết đầu ra do nhu cầu năng lượng ở Việt Nam ngày càng tăng. Điện năng cần sản xuất đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP bình quân ở mức 7%/năm giai đoạn 2016 – 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Theo bà Đỗ Thị Hiệp, một chuyên gia từ trường Đại học Điện lực, mặc dù có cơ hội lớn nhưng nguồn điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam vẫn đang bước những bước chậm và ngắn. Nguyên nhân của hiện trạng này một phần bởi các nhà đầu tư còn hạn chế về nguồn lực, mặt khác thách thức đầu tư vào phân khúc này khá lớn, nhiều rào cản.

Dù có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời lớn, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác gặp phải vấn đề tốc độ gió, bức xạ năng lượng mặt trời không ổn định. Hơn nữa, việc dự báo tiềm năng sản xuất điện từ các nguồn này ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và kém tin cậy. Về vấn đề công nghệ, tại những nhà máy điện gió đã đưa vào vận hành, hầu hết các thiết bị chính được nhập khẩu từ các quốc gia như: Đức, Mỹ, Đan Mạch, Trung Quốc. Tùy thuộc vào công nghệ được nhập khẩu từ quốc gia nào, chi phí thiết bị giao động rất đáng kể. Việt Nam có triển khai chương trình hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ điện gió và mặt trời tuy nhiên hoạt động này còn đơn lẻ, rời rạc và chưa đạt hiệu quả.

Tại hội thảo “Đầu tư và lợi nhuận từ điện gió” do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Công ty Vestas châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hồi tháng 12 năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phòng Kinh tế, Dự báo và quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam cho biết, sở dĩ nhà đầu tư chưa mặn mà với đầu tư điện gió là do giá của điện gió của Việt Nam hiện nay còn quá thấp. Hiện tại, cơ chế hỗ trợ lớn nhất cho các nhà đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời là giá mua điện cố định cho các nhà máy đối với điện mặt trời là 9,35 cent/KWh và đối với điện gió là 7,8 cent/KWh. Với điện mặt trời, mức giá hiện tại tương đối hấp dẫn các nhà đầu tư với số lượng đăng ký các dự án điện mặt trời tương đối khả thi. Còn đối với điện gió, biểu giá cố định hiện tại là thấp để hấp dẫn các nhà đầu tư.

Là một nhà đầu tư điện gió tại Việt Nam, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàn Cầu cho biết, hiện nay trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ không thể mua được giá điện gió cao như các nước như Thái Lan, Hàn Quốc (khoảng 25 cent/kWh) mà chỉ là 7,8 cent/kWh, ngang với giá điện than.

Theo ông Huế, Tân Hoàn Cầu đang đầu tư thành công tại dự án điện gió Hướng Linh (Hướng Hóa - Quảng Trị) là nhờ vay được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng của Đức và tự bản thân doanh nghiệp thi công dự án nên với mức giá hiện tại thì doanh nghiệp chỉ có lãi một chút. Thậm chí, với mức giá này nhiều doanh nghiệp sẽ lỗ vốn khi đầu tư. Vì vậy, các nhà đầu tư quan ngại về hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn khi đầu tư vào những dự án này.

Cần thêm cơ chế hỗ trợ

Theo công bố của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), trong đánh giá tiềm năng giảm chi phí điện gió và điện mặt trời đến 2025, chi phí đầu tư cho điện gió đất liền năm 2015 là khoảng 1.560 USD/kW, chi phí đầu tư cho điện gió ngoài khơi vào khoảng 4.650 USD/kW được dự đoán giảm xuống lần lượt còn 1.370 USD/kW và 3.950 USD/kW vào năm 2025. Chi phí sản xuất điện từ năng lượng mặt trời sẽ giảm mạnh từ 1.810 USD/kW (năm 2015) xuống chỉ còn 790 USD/kW vào năm 2025. Suất đầu tư cho các nguồn điện này giao động giữa các châu lục và các quốc gia. Đây sẽ là một động lực thúc đẩy thêm nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển điện gió và điện mặt trời trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, các dự án phát triển và sử dụng điện gió và điện mặt trời được hưởng các ưu đãi về thuế như được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án, thuế thu nhập doanh nghiệp, các ưu đãi về tín dụng đất đầu tư, ưu đãi về đất đai.

Theo bà Vũ Chi Mai - cán bộ cao cấp của chương trình hỗ trợ năng lượng MOIT/GIZ thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), năng lượng tái tạo có tiềm năng rất lớn nhưng cũng phải đặt năng lượng tái tạo trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam về cơ sở hạ tầng lưới điện. Để thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển điện gió, việc phát triển lưới điện là vấn đề rất quan trọng.

Bà Đỗ Thị Hiệp, chuyên gia từ Đại học Điện lực thì cho rằng, tại Việt Nam, bên cạnh những chính sách đã có và đem lại hiệu quả, chúng ta cần đánh giá lại các cơ chế đã tồn tại nhưng chưa đem lại tác dụng, đồng thời nghiên cứu các công cụ chính sách chưa có nhưng cần thiết. Điều chỉnh giá FIT hàng năm là cần thiết nhằm đưa ra mức giá FIT cập nhật, phù hợp. Khi chi phí sản xuất điện gió hoặc điện mặt trời giảm xuống đến mức nhất định, có thể cạnh tranh với các nguồn điện khác, cơ chế đấu thầu cho thấy hiệu quả về chi phí. Ngoài ra, tiêu chuẩn năng lượng tái tạo, chứng chỉ năng lượng tái tạo là hai cơ chế nên được triển khai để tăng đầu tư điện gió và điện mặt trời từ nhóm các công ty điện lực.

Để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ sản xuất điện từ nước ngoài, giảm chi phí nhập khẩu thiết bị, đầu tư cho quỹ nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất điện gió và mặt trời là việc làm cần thiết. Các công cụ quan trọng khác như: giảm lãi suất vay, tăng kỳ hạn, thời gian ân hạn đủ lớn sẽ khắc phục được hạn chế về nguồn tài chính cho nhà đầu tư. Đồng thời, cần tổ chức các khóa học nâng cao hiểu biết, kỹ năng liên quan đến đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện gió, điện mặt trời cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến văn bản thủ tục, thời gian xử lý các thủ tục về xin cấp phép đầu tư, vay vốn, thuê đất, mua bán điện cũng nên hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Đình Tú