Bất động sản

Bản tin bất động sản số 20

Chủ nhật, 14/6/2020 | 14:42 GMT+7
Sẽ có nhà ở thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2; T&T Group đầu tư 1.650 tỷ đồng xây khu dịch vụ-du lịch ở Quảng Trị; Quy định chặt chẽ việc giao đất cho các chủ đầu tư… là những tin tức bất động sản nổi bật trong tuần qua.

Sẽ có nhà ở thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2

Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để trình Chính phủ ban hành trong quý 3/2020. Theo đó, sẽ ra nhiều cơ chế ưu đãi cho nhà ở dưới 20 triệu đồng/m2.

Phát biểu tại hội thảo giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu COVID-19 do Báo Xây dựng phối hợp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 12/6, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để trình Chính phủ ban hành trong quý 3 năm nay. Nghị quyết sẽ đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi cho dự án phát triển nhà ở có giá bán không quá 20 triệu đồng/m2.

Sắp tới sẽ có nhà ở thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm dự thảo nghị quyết được nghiên cứu, xây dựng với nhiều cơ chế ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại giá thấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2 sàn, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2.

"‘Như vậy giá một căn hộ tối đa không vượt quá 1,5 tỉ đồng/căn, đã bao gồm cả thuế VAT" - ông Sinh nhấn mạnh.

Theo ông Sinh, nhóm cơ chế chính sách ưu đãi sẽ tập trung giúp hạ giá thành dự án bằng nhiều giải pháp, chẳng hạn giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp, bố trí 500 tỉ đồng trong tổng nguồn vốn 2.000 tỉ đồng cấp cho 4 ngân hàng thương mại để cấp bù lãi suất cho vay.

Các dự án nhà ở thương mại giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 cũng được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại giá rẻ do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Ngoài ra, các dự án này còn được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công ty tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.

T&T Group đầu tư 1.650 tỷ đồng xây khu dịch vụ-du lịch ở Quảng Trị

Chiều ngày 10/6, tại Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã trao giấy Chứng nhận đầu tư dự án Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải cho Tập đoàn T&T Group.

Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải nằm tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh thuộc Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 1.650 tỷ đồng.

Dự án có diện tích là 8.467 ha, gồm các phân khu: Khu khách sạn tiêu chuẩn 4 sao; Khu thương mại dịch vụ, bao gồm khu chăm sóc sức khỏe cổ truyền, chăm sóc sức khỏe hiện đại, ẩm thực; Khu resort nghỉ dưỡng bao gồm các biệt thự nghỉ dưỡng; Khu spa, thủy đình, cảnh quan cây xanh...

Dự án dự kiến khởi công xây dựng vào quý IV/2021 và hoàn thành vào Quý IV/2023.

Ông Hà Sỹ Đồng (thứ hai từ trái sang) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao giấy chứng nhận đầu tư cho Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển (thứ hai từ phải sang).

Dự án 8,5 triệu USD ‘đắp chiếu’, Quảng Nam thu hồi hơn 10ha đất

Ngày 12/6, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh - vừa ký quyết định thu hồi đất thuê của Chi nhánh Công ty TNHH TM Du lịch và Dịch vụ Sông Hàn tại Quảng Nam.

Quyết định nêu rõ, tỉnh Quảng Nam thu hồi 102.010m2 đất đã cho Chi nhánh Công ty TNHH TM Du lịch và Dịch vụ Sông Hàn tại Quảng Nam (trực thuộc Công ty TNHH TM Du lịch và Dịch vụ Sông Hàn) thuê từ năm 2007 tại xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn.

Đây là khu đất phục vụ dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Tây Viên tại thôn Phước Bình Đông, xã Sơn Viên với tổng vốn dự kiến 8,5 triệu USD.

Từ khi cho thuê, UBND tỉnh Quảng Nam 2 lần gia hạn tiến độ sử dụng đất cho công ty này (năm 2014 và năm 2018).

Cưỡng chế thu hồi dự án chậm tiến độ tại khu du lịch Bãi Cháy

Sau 8 năm vận động, thuyết phục chủ đầu tư hoàn trả đất bất thành, ngày 10/6, các lực lượng chức năng của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất dự án xây dựng khách sạn Hạ Long Majestic tại phường Bãi Cháy.

Cưỡng chế tại dự án xây dựng khách sạn Hạ Long Majestic tại phường Bãi Cháy.

Dự án xây dựng khách sạn Majestic nằm trong số dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật nên ngày 25/6/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 1560/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ diện tích 13.397,5m2 đất đã cho Công ty cổ phần du lịch Hạ Long thuê (hiện do Công ty TNHH liên doanh Hạ Long – Thế giới mới quản lý) để giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hạ Long quản lý.

Kể từ đó đến nay, thành phố Hạ Long đã nhiều lần tổ chức vận động nhưng chủ dự án không tự giác chấp hành bàn giao đất cho thành phố.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, UBND thành phố Hạ Long đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất dự án theo đúng trình tự, quy định hiện hành.

Bãi Cháy là khu du lịch biển nằm bên bờ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, được xây dựng trở thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế. Nơi đây hiện có nhiều dự án du lịch, dịch vụ cũng như bất động sản lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Hà Nội: Gỡ vướng về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản 2290/UBND-KT về việc xử lý vướng mắc về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố.

Đối với đất phi nông nghiệp, trường hợp UBND cấp huyện đã ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một phần; hoặc UBND cấp huyện chưa triển khai được phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng quyết định phê duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa quá 12 tháng thì tiếp tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo giá đất đã được phê duyệt, bảo đảm tính kế thừa và thống nhất trong cùng dự án.

Trường hợp quyết định phê duyệt giá đất đã quá 12 tháng kể từ khi ban hành nhưng UBND cấp huyện chưa ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND cấp huyện tổ chức khảo sát kỹ và đánh giá biến động giá đất trên thị trường khu vực. Nếu có biến động, UBND cấp huyện đề xuất xác định lại giá đất làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

TP.HCM: Chủ đất đồng tình tự tháo dỡ, bàn giao hơn 13.400 m2 liên quan dự án sân Golf ở Củ Chi

UBND huyện Củ Chi vừa có văn bản số 5221 báo cáo về việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ bà Hồ Thị Đẻo. Đây là hộ có phần đất bị ảnh hưởng trong dự án đầu tư xây dựng sân Golf tại xã Tân Thông Hội.

Báo cáo nêu, ngày 26/5, UBND huyện Củ Chi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ bà Hồ Thị Đẻo theo quy định pháp luật. Tại buổi cưỡng chế, bà Lê Thị Bạch Thủy (người đại diện theo ủy quyền của chủ đất là bà Hồ Thị Đẻo) đề nghị Ban cưỡng chế tạm ngừng cưỡng chế để bà Thủy tự tháo dỡ toàn bộ tài sản và kiến trúc còn lại trên đất. Bà Thủy cam kết thực hiện tháo dỡ trong 5 ngày, từ ngày 27/5 - 1/6.

Ngày 4/6, Ban cưỡng chế tiến hành kiểm tra hiện trạng và ghi nhận bà Thủy đã thực hiện tự tháo dỡ theo cam kết trên. Đồng thời bà Thủy cũng đã bàn giao phần đất trống diện tích hơn 13.400 m2 thuộc các thửa đất số 384-1, 386-1, 397 và thửa 398, thuộc tờ bản đồ số 63, tài liệu bản đồ kỹ thuật số, bộ Địa chính xã Tân Thông Hội của bà Hồ Thị Đẻo.

Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi cho biết thêm, ngày 10/6 tiến hành bàn giao phần đất trên cho chủ đầu tư để thực hiện dự án. Đồng thời tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho bà Hồ Thị Đẻo theo quy định.

Trước đó, UBND huyện Củ Chi đã thành lập Ban Cưỡng chế tiến hành vận động bà Hồ Thị Đẻo nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên đại diện ủy quyền của bà Đẻo không đồng tình với giá bồi thường, đồng thời cung cấp quyết định ký ngày 29/12/2017 của TAND Thành phố về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, quyết định này của Tòa án sau đó được hủy bỏ ngày 23/9/2019. Ngày 23/10/2019, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi ban hành Quyết định số 9492 về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ bà Hồ Thị Đẻo.

Quy định chặt chẽ việc giao đất cho các chủ đầu tư

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số địa phương có tình trạng chủ đầu tư rao bán nhà đất thuộc các dự án nhà ở không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc các dự án không đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất, bán nhà ở...; tình trạng có nhiều người đã mua hoặc nộp tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng nhà, đất tại các dự án không phép, sai phép...

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất quy định chặt chẽ hơn về trình tự thủ tục liên quan đến giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cụ thể các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn và công khai tên từng dự án đầu tư. Đồng thời, các cấp các ngành cần tiếp tục tuyên tuyền để người dân hiểu rõ hơn về các thủ tục liên quan đến giao dịch quyền sử dụng đất trong các dự án bất động sản để từ đó thận trọng hơn khi tham gia các giao dịch. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của các dự án kinh doanh bất động sản địa bàn.

Mạnh Tùng (t/h)