Môi trường (old)

Bản tin môi trường số 10/2019

Thứ hai, 30/12/2019 | 10:35 GMT+7
Nhiệt độ tăng thêm hơn 1 độ C, năm 2020 dự báo nắng kỷ lục, Hà Nội ra chỉ thị cải thiện ô nhiễm không khí, TPHCM xây dựng nhà máy xử lý rác thải 500 tấn/ngày... là những tin tức môi trường nổi bật tuần qua.

Nhiệt độ tăng thêm hơn 1 độ C, năm 2020 dự báo nắng kỷ lục

Dự báo của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Anh (Met Office) dựa trên các quan sát về xu hướng trong những năm gần đây khi thế giới đã trải qua các năm có nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với thời kì tiền công nghiệp và kèm theo những đặc điểm mà các nhà khí tượng học cho là “dấu vết rõ ràng” của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.

Tổ chức Khí tượng thế giới cũng dự báo tương tự trên. Dựa vào các quan sát, phân tích về xu hướng thời tiết trong những năm gần đây khi Trái Đất trải qua nhiều năm có nhiệt độ trung bình cao hơn 1 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, cơ quan dự báo trên cho rằng xu hướng nhiệt độ tăng có thể sẽ tiếp tục vào năm 2020, trừ khi xảy ra các hiện tượng không thể dự báo như một đợt núi lửa phun trào, có tác dụng làm mát (thành phần chính của núi lửa là hơi nước - H2O) nhờ bụi nước bắn vào khí quyển.

Cho đến nay, năm nóng nhất được ghi nhận vẫn là năm 2016, khi hiệu ứng hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra và kể từ những năm sau đó, nhiệt độ chỉ gần mức kỷ lục.

Hà Nội ra chỉ thị cải thiện ô nhiễm không khí

Ngày 25/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND, về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị các đơn vị, tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm túc một số biện pháp, cụ thể: Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội vận hành liên tục ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí, thường xuyên tổng hợp kết quả thông báo công khai các số liệu ô nhiễm không khí hệ thống quan trắc của thành phố và một số cơ quan Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Mỹ trên báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, của thành phố để người dân biết, có kế hoạch hành động, phòng tránh.

Trong trường hợp khi ô nhiễm không khí chạm mức “Nguy hại” chỉ số AQI >300, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo tới Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo các trường mầm non, trường tiểu học cho các cháu học sinh sắp xếp lịch học phù hợp; thông báo tới Sở Y tế để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng ngừa bệnh về đường hô hấp; thông báo tới các sở, ngành liên quan để có các biện pháp xử lý, khắc phục hạn chế phát thải. Sở Y tế xây dựng phương án cụ thể để kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe trong những ngày chất lượng không khí ở mức “Xấu”, “Rất xấu” và “Nguy hại”.

Trong các ngày chất lượng không khí ở mức “Kém” trở lên, cần phải áp dụng ngay các biện pháp, cụ thể: Sở Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các công ty môi trường đô thị, cùng các quận, huyện rà soát kiểm tra, phải tăng cường tần suất sử dụng xe hút bụi, hút rác và dùng xe tưới nước rửa đường. Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tránh ùn tắc trong giờ cao điểm, yêu cầu tất cả các xe tải trọng tải từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào thành phố từ vành đai 3 trở vào, từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau.

Cùng với đó, tham gia lưu thông bằng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; ưu tiên sử dụng các loại phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái tạo, điện, giảm phát thải ô nhiễm môi trường không khí. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, người dân tham gia cung cấp video, hình ảnh các phương tiện chở quá tải, không che chắn gây phát tán bụi, phế thải tới các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm theo quy định.

Công an thành phố, thanh tra chuyên ngành: Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm tất cả các xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không đúng quy chuẩn, không phủ bạt che chắn, chở quá tải, để rơi vãi ra đường gây mất an toàn, vệ sinh môi trường; Xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định. Tăng cường kiểm tra, phát hiện để xử lý các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng không che chắn, gây vương vãi vật liệu, bụi bẩn, gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm theo quy định.

TPHCM xây dựng nhà máy xử lý rác thải 500 tấn/ngày

Chiều 20/12, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM), Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cùng Công ty CP kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu khởi công Nhà máy xử lý rác thải rắn công nghiệp và nguy hại với quy mô công suất 500 tấn/ngày.

Nhà máy được xây dựng trên diện tích 17ha, nằm trong khu quy hoạch xử lý chất thải rắn của TP.HCM tại xã Đa Phước. Đây là nhà máy xử lý rác thải rắn công nghiệp và nguy hại có quy mô lớn, hiện đại đầu tiên của TP.HCM, nhằm tái chế và xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại cho các đối tượng nhà máy sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp, các phòng thí nghiệm các trung tâm phân tích của viện - trường đại học; các cơ sở y tế, cơ sở chăn nuôi…

Ô nhiễm môi trường không khí đang trở nên nghiêm trọng

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục Môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, năm 2019 vừa qua tiếp tục đánh dấu nhiều vấn đề môi trường nổi lên được dư luận xã hội quan tâm, cần xử lý như vấn đề quản lý chất thải rắn, quản lý rác thải nhựa, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, một số sự cố môi trường xảy ra ở quy mô không lớn nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân.

Đối với nhiệm vụ công tác năm 2020, ông Nhân đặt ra chủ đề trọng tâm cho Tổng cục Môi trường là “Chủ động kiểm soát chặt chẽ xả thải; tăng cường quản lý chất thải rắn, ô nhiễm không khí, hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển bền vững”.

Chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế các nguồn thải; tăng cường quản lý chất thải rắn; tăng cường quan trắc môi trường, kết nối số liệu quan trắc tự động để dự báo, cảnh báo môi trường, phấn đấu 100% các tỉnh kết nối số liệu quan trắc môi trường về Tổng cục Môi trường phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, giám sát, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt là đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và TPHCM.

Ông Nhân cũng yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.

 

Linh Giang