Môi trường (old)

Bản tin môi trường số 2/2019

Thứ hai, 4/11/2019 | 09:50 GMT+7
Bão số 5 với tốc độ mạnh càn quét các tỉnh Nam Trung Bộ gây thiệt hại về người và của; Hà Nội sẽ có nghị quyết di dời cơ sở gây ô nhiễm, biến đổi khí hậu có thể làm ngập miền Nam Việt Nam... là những tin tức môi trường nổi bật tuần qua.

Bão số 5 gây thiệt hại cho các tỉnh Nam Trung Bộ

Theo báo cáo nhanh ngày 1/11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ảnh hưởng của bão số 5 đã làm 1 người mất tích và 14 người bị thương tại Quảng Ngãi; 179 nhà bị sập; 2.114 nhà bị hư hỏng; 200 nhà bị ngập.

Hàng nghìn ha hoa màu, lúa bị thiệt hại; nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hại, gia cầm chết, cuốn trôi; cây xanh gẫy đổ.

Ảnh hưởng của bão số 5 đã làm sạt lở 2.000 m, hư hỏng nặng 200 m kè biển Nhơn Hải, tuyến đê Đông sạt mái hạ lưu 127 m, 1 tràn bị trôi tại Bình Định. Bão làm hư hỏng 2.800 m đường giao thông tại Bình Định và sạt lở 12.935 m3 đất đá tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa.

Hà Nội quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm

Hà Nội sẽ có Nghị quyết về di dời cơ sở ô nhiễm

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, tới đây Hà Nội sẽ ban hành Nghị quyết về di dời các cơ sở ô nhiễm.

Danh sách di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch, xây dựng đô thị tại 12 quận nội thành Hà Nội đã được Sở TN&MT Hà Nội rà soát và đề xuất trong dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân thành phố vào kỳ họp cuối năm 2019.

Theo nhận định của Sở TN&MT Tp. Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm chậm di dời ra khỏi khu vực nội thành là do thiếu các chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ di chuyển.

Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu có thể làm ngập miền Nam Việt Nam

Theo nghiên cứu của Tổ chức khoa học Climate Central (Mỹ) phần lớn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể bị ngập hoàn toàn do tác động của triều cường vào năm 2050. Ngoài ra, phần lớn diện tích của TP.HCM sẽ biến mất hoàn toàn.

Ở phía Bắc, các tỉnh ven và gần biển như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh cũng có nguy cơ mất một phần lớn diện tích do nước biển dâng. Trong đó Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình có khả năng nằm ở dưới nước hoàn toàn.

Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên - môi trường khẳng định thông tin TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập vào năm 2050 do biến đổi khí hậu là chưa đủ cơ sở khoa học.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng các tác giả chỉ sử dụng số liệu của Mỹ để hiệu chỉnh cho toàn cầu và các giả thiết về mực nước biển dâng kết hợp với triều cường là tình huống cực đoan rất khó xảy ra và không được Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu khuyến cáo.

Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi cần hành động chống biến đổi khí hậu ngay bây giờ. "Người ta có thể tranh luận về độ chính xác của dữ liệu, nhưng điều rõ ràng là xu hướng (dẫn đến thảm họa) đang diễn ra" - Tổng thư ký Guterres nhận xét.

Ông Guterres lưu ý phần lớn dân số bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng nằm ở các nước đang phát triển châu Á, do đó khu vực này cần phải hành động ngay, cụ thể là ngừng xây dựng các nhà máy điện than - nguồn gây ô nhiễm chính - để đối phó biến đổi khí hậu.

Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh

Việt Nam có thêm 4 di sản vườn quốc gia

Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) vừa được trao danh hiệu Vườn Di sản ASEAN - nâng tổng số Vườn Di sản ASEAN tại Việt Nam lên con số 10.

“Việc trở thành quốc gia có nhiều Vườn Di sản ASEAN nhất khu vực đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục lựa chọn các hồ sơ của các Vườn quốc gia có tiềm năng khác của Việt Nam để trình các Bộ trưởng môi trường ASEAN xem xét, công nhận”- Tổng cục Môi trường cho hay.

Bình An