Bản tin môi trường số 23/2021

Thứ hai, 29/11/2021 | 09:50 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1970/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn

Theo đó, đến năm 2030, Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đề ra mục tiêu phát triển ngành đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.

Phát triển công tác khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Cụ thể, Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể liên quan đến các lĩnh vực cần thực hiện từ nay đến 2030 như: quan trắc khí tượng thủy văn; thông tin, dữ liệu, truyền tin và chuyển đổi số khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; phát triển thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn; truyền thông khí tượng thủy văn.

Đến năm 2045, Chiến lược sẽ phát triển ngành khí tượng thủy văn Việt Nam có trình độ, năng lực tương đương các nước phát triển trên thế giới.

Để đạt được các mục tiêu trên, Quyết định 1970/QĐ-TTg đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành khác có liên quan và UBND cấp tỉnh. Các nhiệm vụ bao gồm: hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn.

Thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025. Kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh, cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Quản lý chất lượng môi trường không khí từ kiểm soát các nguồn khí thải

Thông qua kế hoạch, Chính phủ cũng đề ra các mục tiêu cụ thể về kiểm soát tốt hơn các nguồn khí thải, liên quan đến nhiều nguồn phát thải từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp. Qua đó nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện.

Theo kế hoạch, các nhiệm vụ và giải pháp sẽ được triển khai để nâng cao quản lý chất lượng môi trường bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí: cần ban hành quy định pháp luật về quản lý chất lượng không khí theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; xây dựng thực hiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành nghề truyền thống ít gây ô nhiễm không khí tại các làng nghề; chuyển đổi sản xuất đối với làng nghề gây ô nhiễm không khí…

Bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Theo Quyết định 1975/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây, Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 – 2030 sẽ được lên kế hoạch triển khai.

Kế hoạch nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam là quốc gia thành viên tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar).

Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước

Cụ thể đến năm 2025, kế hoạch đề mục tiêu hoàn thành điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.

Mục tiêu đến năm 2030, tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức điều tra, đánh giá, quản lý, quan trắc, giám sát theo quy định tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và hướng dẫn của Công ước Ramsar. Cả nước có 15 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar; tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước. Phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái…

Mỹ Dung