Môi trường (old)

Bản tin môi trường số 7/2019

Thứ hai, 9/12/2019 | 11:26 GMT+7
Năm 2030: 100% khu, điểm du lịch không sử dụng nhựa một lần và túi ni lon khó phân hủy, TPHCM thanh tra điểm nóng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, Tháng 12 có 5 đến 7 đợt không khí lạnh... là những tin tức môi trường nổi bật tuần qua.

Năm 2030: 100% khu, điểm du lịch không sử dụng nhựa một lần và túi ni lon khó phân hủy

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.

TPHCM thanh tra điểm nóng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng

TP.HCM vừa lập Đoàn thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ năm 2016 -2019.

Ông Trần Thanh Tùng - Phó chánh thanh tra TP.HCM đề nghị lãnh đạo huyện Bình Chánh phân công các phòng Tài nguyên Môi trường, Đô thị, Thanh tra huyện… phối hợp để cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan. Trong thời gian đầu, công tác thanh tra sẽ chủ yếu tập trung vào rà soát các hồ sơ. Sau đó sẽ xuống kiểm tra cụ thể tại một số điểm “nóng” về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Theo thống kê, năm 2018, TP có 2.419 công trình vi phạm. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, số công trình vi phạm lên đến 1.550. Trong đó, huyện Bình Chánh được xem là một trong những điểm nóng về xây dựng trái phép, không phép, vi phạm mục đích sử dụng đất mà nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh thời gian qua. 

Tháng 12 có 5 đến 7 đợt không khí lạnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 12, có khả năng xuất hiện khoảng 5 đến 7 đợt không khí lạnh (bao gồm cả các đợt không khí lạnh tăng cường). Khoảng nửa đầu tháng ít có khả năng gây mưa trái mùa ở các tỉnh phía Nam. Xoáy thuận nhiệt đới (bão hoặc áp thấp nhiệt đới) vẫn có khả năng hoạt động trên Biển Đông.

Các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ duy trì mưa trên diện rộng vào thời kỳ 5 ngày đầu tháng 12, nhưng tổng lượng mưa trong tuần đầu tháng vẫn thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40%. Tây Nguyên và Nam Bộ thời tiết ổn định, phổ biến ít mưa, ngày nắng. Từ ngày 11-20/12 tổng lượng mưa khu vực Trung Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%. Các tỉnh Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhiệt độ trên cả nước xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ ngày 21-31/12 tổng lượng mưa khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn từ 20-50%; khu vực Bắc Bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tổ chức Nhật Bản cam kết đầu tư 100% chi phí làm sạch sông Tô Lịch, Hồ Tây

Theo thông cáo báo chí phát đi chiều 3/12 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản (JEBO), giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống trước khi xả thải ra sông để xử lý cả sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản được thực hiện như sau: Khi thí điểm thành công về việc chứng minh mô phỏng xử lý trong 24 giờ lượng nước thải chảy liên tục vào khu quây theo tỉ lệ thực tế trên sông Tô Lịch được xử lý bằng công nghệ Nhật Bản, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn hiện hành của Việt Nam (QCVN 08-MT:2015/BTNMT), JEBO đưa ra giải pháp xử lý cho cả dòng sông Tô Lịch: 

"Như trong buổi họp đánh giá về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản do Chủ tịch UBND Hà Nội chủ trì ngày 29/10/2019, chúng tôi cũng đã báo cáo UBND thành phố về phương án phía Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây thành công thì cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý, vận hành" - JEBO khẳng định.

 

Huyền Châu (t/h)