Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng Số 1/2019

Thứ hai, 28/10/2019 | 09:55 GMT+7
Việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch đang diễn ra sôi động ở nhiều quốc gia: Pháp khánh thành nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất châu Âu, Sydney (Australia) cam kết sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo...

Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới

Trong báo cáo hàng năm về năng lượng tái tạo toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã dự báo công suất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới nhờ việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Theo IEA, chi phí công nghệ giảm và các chính sách của các chính phủ hiệu quả hơn đã cho phép nâng dự báo công suất năng lượng tái tạo so với báo cáo năm ngoái. Cơ quan này nhận định, tổng công suất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng 1,2 Terawatt (TW) vào năm 2024 từ mức 2,5 TW của năm 2018, tương đương với tổng công suất điện lắp đặt hiện nay của Mỹ. Các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 26% điện năng thế giới hiện nay nhưng IEA dự kiến sẽ đạt 30% vào năm 2024. Trong đó, điện mặt trời sẽ chiếm gần 60% mức tăng trưởng này và điện gió trên bờ sẽ chiếm 25%.

Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới

Tổng điện năng điện mặt trời trên hồ chứa thủy lợi có thể đạt 15.000MWp

Chia sẻ tại hội thảo “Điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, riêng đối với điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi, nếu chỉ tận dụng đất bán ngập và diện tích mặt nước xung quanh hồ thì tổng điện năng có thể đạt 15.000MWp (trên cơ sở tính toán diện tích mặt nước 1,2ha/MW). Ngoài ra, đầu tư sẽ nhanh hơn do không phải giải phóng mặt bằng (dù suất đầu tư có thể lớn hơn). Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cố gắng trong năm nay sẽ ban hành những văn bản hướng dẫn để đảm bảo việc triển khai hiệu quả việc đầu tư, phát triển điện mặt trời trên các hồ chứa thủy lợi.

Sydney (Australia) cam kết sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo

Nguồn năng lượng tái tạo (75% từ điện gió và 25% từ năng lượng mặt trời) sẽ cung cấp điện năng cho tất cả các tòa nhà và trụ sở do hội đồng TP Sydney (bang New South Wales, Australia) sở hữu kể từ ngày 1/7/2020. Thị trưởng Sydney Clover Moore nhấn mạnh, cam kết sử dụng 100% nguồn năng lượng điện tái tạo dự kiến sẽ giúp tiết kiệm tới 500 nghìn AUD/năm (tương đương 340 nghìn USD/năm) trong vòng 10 năm.

Hội đồng thành phố đã ký thỏa thuận với công ty năng lượng Flow Power để thực hiện kế hoạch này. Trong đó, trang trại gió Sappire với hai nhà máy có công suất 270MW và 120MW và một chương trình về năng lượng mặt trời phi lợi nhuận thuộc sở hữu cộng đồng sẽ là các đơn vị cung cấp nguồn năng lượng tái tạo mới cho TP Sydney.

Cam kết trên sẽ giúp cắt giảm khoảng 20 tấn khí thải mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ điện của 8.000 hộ gia đình tại địa phương. Bên cạnh đó, việc ký kết thỏa thuận với Flow Power góp phần tạo thêm việc làm, hỗ trợ các khu vực bị hạn hán của bang New South Wales.

Sydney cam kết sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo

Pháp khánh thành nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất châu Âu

Pháp mới đây đã khánh thành nhà máy năng lượng mặt trời nổi đầu tiên có tên gọi O’MEGA1 tại thành phố miền Đông Nam Piolenc.

Dự án do công ty năng lượng tái tạo Akuo Energy của Pháp thực hiện. Với 47.000 tấm pin mặt trời, nhà máy không những cung cấp đủ năng lượng cho hơn 4.000 hộ gia đình mà còn còn giúp giảm hơn 1.000 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường.

Theo Bộ trưởng Sinh thái Pháp Elisabeth Borne, đây là công viên quang điện nổi đầu tiên tại Pháp và là nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất tại châu Âu.

Tàu xuyên Đại Tây Dương chạy bằng năng lượng gió và mặt trời

Con tàu tự lái Mayflower sẽ xuôi dòng từ Plymouth, nước Anh vào ngày 6/9/2020 để tới nước Mỹ. Tàu sẽ cập cảng Plymouth ở bang Massachusette, Mỹ sau 12 ngày. Chuyến du hành này nhằm kỷ niệm 400 năm lần đầu tiên con tàu mang tên Mayflower vượt Đại Tây Dương vào năm 1620.

Con tàu hiện đang được đóng tại xưởng đóng tàu Gdansk, Ba Lan, có hình dáng như một chiếc máy bay. Mayflower dài khoảng 16m, có gắn các tấm pano năng lượng mặt trời ngoài vỏ. Vận tốc tối đa của tàu khoảng 37km/h. Tàu có lắp động cơ nhiên liệu sinh học để dự phòng trong trường hợp khẩn cấp.

Trong hành trình của mình, tàu sẽ thu mẫu nước để đo nồng độ ô nhiễm vi nhựa trên đại dương. Trên tàu lắp cả bộ cảm biến để nghe tín hiệu từ cá voi.

Lan Anh