Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 10/2020

Thứ hai, 16/3/2020 | 08:22 GMT+7
Theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, với các dự án điện sinh khối đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScents/kWh (quy định cũ là 1.220 đồng/kWh, tương đương 5,8 UScents/kWh).

Tăng giá điện sinh khối

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 08/2020/QĐ-TTg ngày 5/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó có quy định về giá điện đối với dự án điện sinh khối.

Theo đó, đối với các dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScents/kWh (quy định cũ là 1.220 đồng/kWh, tương đương 5,8 UScents/kWh), theo tỷ giá tính theo tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.

Đối với các dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh tương đương 8,47 UScents/kWh, theo tỷ giá tính theo tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.

Sự điều chỉnh, sửa đổi được kỳ vọng sẽ thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối, đặc biệt khuyến khích các nhà máy đồng phát nhiệt điện điều chỉnh, tối ưu thiết kế, vận hành để mang lại hiệu quả cao hơn

Giá mua điện quy định nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của đồng Đô la Mỹ (tính tương đương UScents/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán.

Các dự án điện sinh khối đã vận hành phát điện trước thời điểm 5/3/2020 được áp dụng mức giá mua điện nêu trên kể từ ngày 25/4/2020 cho thời gian còn lại của hợp đồng mua bán điện đã ký.

Chi phí mua điện từ các dự án điện sinh khối nêu trên được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các dự án điện sinh khối áp dụng giá mua điện theo quy định này không được áp dụng cơ chế giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.

Quảng Bình yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cụm trang trại điện gió B&T

UBND tỉnh Quảng Bình vừa có công văn yêu cầu Công ty CP Điện gió B&T đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục pháp lý, đảm bảo khởi công xây dựng dự án cụm trang trại điện gió B&T trước ngày 10/10/2020.

Dự án cụm trang trại điện gió B&T là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió), phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Bình. Nhà đầu tư đang tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để khởi công dự án trước Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ngày 11/3/2020, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Công văn số 346/UBND-KT về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Cụm trang trại điện gió B&T.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Công ty CP Điện gió B&T đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục pháp lý, đảm bảo khởi công xây dựng dự án cụm trang trại điện gió B&T trước ngày 10/10/2020 nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Điện gió B&T kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuân lợi cho nhà đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý và triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định để khởi công dự án.

Giao Sở Công Thương làm đầu mối, theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Được biết, cụm trang trại điện gió B&T có 2 dự án gồm trang trại điện gió B&T 1, công suất 100,8 MW với kế hoạch vận hành vào tháng 12/2020 và trang trại điện gió B&T 2, công suất 151,2 MW với kế hoạch vận hành tháng 6/2021. Tổng mức đầu tư là 8.904 tỷ đồng. Diện tích đất khảo sát cho cụm điện gió B&T là 2.244 ha.

Nhà máy điện gió Trung Nam được tăng công suất lên hơn 150 MW

Ngày 10/3/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký văn bản đồng ý điều chỉnh quy mô công suất dự án Nhà máy điện gió Trung Nam đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh từ 105,75 MW lên thành 151,95 MW. Tiến độ đưa phần công suất tăng thêm của dự án vào vận hành đồng bộ với tiến độ Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối 500kV, 220kV tại Văn bản số 70/TTg-CN ngày 9/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo công văn này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về đề nghị điều chỉnh tăng công suất của dự án nêu trên đảm bảo không gây quá tải lưới điện khu vực; hướng dẫn triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả chung.

Nhà máy điện gió Trung Nam đặt tại xã Lợi Hải và Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, khởi công từ tháng 8/2016, có tổng công suất là 151,95 MW, thời gian khai thác 2.785 giờ/năm, sản lượng dự kiến 423 triệu kWh/năm.

Nhà máy điện gió Trung Nam được tăng công suất lên hơn 150 MW

Hoàn thành vận hành giai đoạn 1, Nhà máy điện gió Trung Nam có 17 trụ, công suất 39,95 MW, đạt sản lượng khai thác 110 triệu kWh/năm. Giai đoạn 2, dự án sẽ có thêm 16 trụ, công suất 64 MW và đạt sản lượng khai thác 179 triệu kWh/năm, dự kiến hoàn thành vào quý II/2020. Giai đoạn 3 của của dự án có thêm 12 trụ, công suất 48 MW và đạt sản lượng khai thác 134 triệu kWh/năm, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2021.

Nhà máy điện gió Trung Nam sử dụng tuabin gió công nghệ “không hộp số” (Gearless) và tự động điều chỉnh đón gió do ENERCON – nhà sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu châu Âu đến từ Đức cung cấp. Với công nghệ tuabin không hộp số, các trụ gió tại Nhà máy điện gió Trung Nam có thể hoàn toàn vận hành bình thường ngay khi gió đạt tốc độ 2,5 m/s và cùng tốc độ gió như thế là các tuabin đã có thể khởi động. Bên cạnh đó, do không có hộp số, các công tác bảo trì hệ thống cho tuabin cũng ít hơn khi không có ma sát gây hao mòn, giảm được công tác bảo trì, chi phí duy tu của công trình được tối thiểu, tiết kiệm chi phí và tăng thời gian hoạt động khai thác.

PV