Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 11/2021

Thứ hai, 29/3/2021 | 09:28 GMT+7
Tại Khánh Hòa, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) vừa tổ chức hội thảo “Phối hợp công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải đấu nối vào lưới điện do PTC3 quản lý”.

Phối hợp quản lý vận hành lưới điện truyền tải đấu nối các nhà máy NLTT

Đây là lần đầu tiên EVNNPT tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) để trao đổi trực tiếp, tiếp nhận ý kiến từ phía các nhà máy điện, qua đó tăng cường phối hợp để hài hòa mục tiêu vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện truyền tải và công suất phát của các nhà máy điện. Hội thảo có sự tham gia của 23 chủ đầu tư các nhà máy NLTT trên địa bàn các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông; đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2)  và miền Trung (A3).

Thời gian qua, tốc độ phát triển rất nhanh của các nguồn điện mặt trời trong thời gian ngắn làm cho một số đường dây 220kV, máy biến áp 220kV khu vực các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai vận hành đầy tải, quá tải.

Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, trong năm 2021, công suất nguồn NLTT được đưa vào vận hành sẽ tiếp tục gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu truyền tải, EVNNPT, PTC3 đã nâng công suất và đóng điện nhiều đường dây, trạm biến áp để giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời trong khu vực. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển quá nhanh, thực tế các nhà máy vẫn phải cắt giảm sản lượng và công suất. Một trong những nguyên nhân chính là do có nguồn điện được bổ sung quy hoạch nhưng không bổ sung quy hoạch lưới điện, hoặc bổ sung quy hoạch lưới điện sau nguồn điện. Đặc biệt, do dịch bệnh COVID-19 khiến phụ tải tăng trưởng chậm, dẫn tới tình huống thừa nguồn điện. Do đó, việc phải cắt giảm công suất các nguồn điện, trong đó có NLTT trong thời gian qua là bắt buộc, để đảm bảo giữ ổn định tần số hệ thống điện. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Trưởng phòng Điều độ của PTC3, hiện nay, các Trung tâm Điều độ đang phải áp dụng biện pháp thay đổi kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện để cưỡng bức công suất, tận dụng tối đa khả năng tải các đường dây 220kV còn non tải. Tuy nhiên, trong mùa khô, sau khi thay đổi kết dây vẫn còn xảy ra đầy tải, quá tải 11 đường dây 220kV, 3 máy biến áp 220kV.

Các đơn vị truyền tải điện nỗ lực vận hành lưới truyền tải khi có nhiều nguồn NLTT đưa vào vận hành. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, hàng năm cần phải bố trí lịch cắt điện các đường dây, máy biến áp để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và thí nghiệm định kỳ thiết bị. Tuy nhiên, để ưu tiên giải tỏa công suất các nguồn điện mặt trời, lịch cắt điện phải bố trí vào ban đêm, gây nhiều khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện. Cùng với đó, địa hình hành lang tuyến rất phức tạp, qua những lần cắt điện làm đêm cho thấy tiềm ẩn rất cao nguy cơ xảy tai nạn lao động, đặc biệt là làm việc trên cao trong điều kiện ánh sáng hạn chế. Một trong những vấn đề khó khăn nhất là việc sửa chữa phải kéo dài thời gian, làm tăng số nhân lực công tác, tăng chi phí khi phải làm đêm do phạm vi làm việc trong không gian hẹp.

Do đó, đại diện PTC3 đề nghị các nhà máy điện NLTT chia sẻ với khó khăn của PTC3 và các Trung tâm Điều độ trong công tác quản lý vận hành, điều hành lưới truyền tải. Đề nghị các nhà máy NLTT phối hợp cắt, giảm phát để các Trung tâm Điều độ bố trí lịch cắt điện thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và thí nghiệm định kỳ vào ban ngày để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động vừa đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục.

Tham gia hội thảo, ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Nhà máy điện mặt trời Nhị Hà (Ninh Thuận) chia sẻ với những khó khăn của đơn vị quản lý lưới điện truyền tải. Ông Thành cho biết, hai bên đã luôn có sự phối hợp nhịp nhàng, công tác bảo dưỡng sửa chữa lưới điện được đơn vị thông báo trước, bố trí thực hiện vào ban đêm và trả lưới đúng giờ để tránh ảnh hưởng đến quá trình vận hành bình thường của nhà máy. Cũng theo ông Thành, lưới điện truyền tải tại Ninh Thuận thường xuyên bị đầy tải nhưng công tác vận hành bảo dưỡng tốt, công tác điều độ hợp lý nên lưới điện hầu như không bị sự cố làm gián đoạn việc phát điện.

Khảo sát về chuyển dịch năng lượng ở 4 tỉnh Trung và Nam Bộ

Mới đây, tại Hà Nội, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu Xây dựng tương lai công bằng ở Việt Nam bằng năng lượng mặt trời.

Tại hội thảo, TS. Lê Hoàng Anh, Viện Năng lượng công bố kết quả nghiên cứu Xây dựng tương lai công bằng ở Việt Nam bằng điện mặt trời, nghiên cứu thí điểm tại 4 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bạc Liêu. Theo kết quả thu được, năm 2020 cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời. Tính riêng năm ngoái, cơ cấu ngành điện năng lượng mặt trời đã tăng lên nhanh chóng (chiếm 24% công suất của toàn hệ thống điện). Đây là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng một cách bền vững hơn và tiến đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Bà nhấn mạnh, nghiên cứu trên tập trung chủ yếu vào vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là người dân. Có thể nói đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động xã hội của điện mặt trời trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. 

Khảo sát và phỏng vấn được thực hiện trong phạm vi 4 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bạc Liêu, cụ thể là trong 5 nhà máy lớn, 6 cơ sở điện mặt trời mái nhà, 5 cơ sở sản xuất điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp và một số hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời.

Theo đó, tính đến 31/12/2020, tổng công suất điện mặt trời đạt 16.640 MW. Trong đó, công suất ở những nhà máy, trang trại lớn chiếm 8.860 MW; điện mặt trời mái nhà chiếm 7.780 MW/101.029 hệ thống.

Bạc Liêu hiện đã nhân rộng mô hình điện mặt trời kết hợp với các trang trại nuôi tôm

Về kết quả nghiên cứu ở tỉnh Ninh Thuận, trước đó Chính phủ đã có chủ trương phát triển Ninh Thuận thành trung tâm NLTT của cả nước. Sau đó tỉnh này được hưởng biểu giá FiT 2 cao hơn các khu vực khác, lên đến 2.086 VND/kWh. Dự trên thuận lợi đó, ở Ninh Thuận đã có 32 dự án điện mặt trời quy mô lớn có công suất 2,5 GWp. Với sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo nay đã nằm trong Top 5 tỉnh có tốc độ phát triển lớn nhất của cả nước năm 2020.

Tỉnh thứ hai được khảo sát là Bình Thuận, một tỉnh có mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của cả nước. Tỉnh hiện có 22 nhà máy điện mặt trời có tổng công suất là 940 MW tính trong năm 2020. Tuy nhiên, tỉnh đang gặp một vấn đề, đó là công suất lắp đặt quá lớn (5.700 – 6.800 MW) nhưng nhu cầu phụ tải thấp (250 – 280 MW).

Trước 30/06/2019, tỉnh Đắk Lắk chỉ có 237 hệ thống với công suất 18,26 MWp nhưng đến cuối năm 2020 con số này đã tăng lên đáng kể với 7 nhà máy quy mô lớn (1030 MWp), hơn 5.350 hệ thống điện mặt trời mái nhà (649,63 MWp). Đắk Lắk cũng là địa điểm nổi bật với phát triển điện mặt trời mái nhà kết hợp với nông nghiệp với mái các trang trại, nhà xưởng và trường học.

Với Bạc Liêu, tỉnh đang có mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm NLTT của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, Bạc Liêu cũng đang nằm trong danh sách các tỉnh ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên tỉnh đã nhân rộng mô hình điện mặt trời kết hợp với các trang trại nuôi tôm. Việc kết hợp này đã giúp giải quyết nhu cầu tiêu thụ điện cho nuôi tôm công nghệ cao, bao gồm chi phí cho hệ thống sục khí, xử lý nước thải, bơm nước… lên đến hàng trăm triệu đồng.

Kết quả khảo sát còn cho thấy nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội. Những nhà máy điện mặt trời ở các tỉnh trên đã giúp giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều lao động nữ, lao động dân tộc thiểu số; tạo ra nhiều công việc thời vụ và công việc mới với mức thu nhập cao.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, diện tích quỹ đất cho lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời hiện chiến 16.769ha, trong đó 1.821ha là đất rừng, 291ha là đất nông nghiệp. Việc mở rộng quỹ đất trong tương lai có thể làm thay đổi môi trường sống của con người và hệ sinh thái của các loài động vật. Mặt khác, việc không nhất quán trong thỏa thuận cho thuê, đền bù, đấu thầu hoặc mua bán đất có thể gây mâu thuẫn trong nhân dân.

Theo đó, bà Lê Hoàng Anh đề xuất một số kiến nghị như: cần có kế hoạch tổng hợp; chiến lược đầu tư công, tư rõ ràng; có cơ chế xây dựng cạnh tranh; chú trọng trách nhiệm xã hội hơn từ các chủ dự án; nâng cao nhận thức về NLTT trong cộng đồng.

Tìm giải pháp phát triển NLTT tại Nghệ An

Tại Nghệ An, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp với Trung tâm Khuyến viên và Dịch vụ Nghề vườn Việt Nam (Trung tâm Vị Nông) tổ chức tọa đàm “Mở đường cho phát triển năng lượng tái tạo tại Nghệ An”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch các hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật tỉnh Nghệ An đánh giá cao ý nghĩa của buổi tọa đàm này. Bà Hường nhấn mạnh, trong thời điểm ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động hiện nay thì việc phát triển năng lượng sạch là cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường cũng trình bày các kiến nghị, đề xuất để Nghệ An phát triển NLTT như: cần có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và có cơ chế giá phù hợp cho từng địa phương; Bộ Công Thương cần có lộ trình cụ thể về phát triển điện mặt trời, điện gió cho Nghệ An; hỗ trợ Nghệ An giới thiệu tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư khai thác NLTT.

Nghệ An có mong muốn phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai dự án chuyển dịch năng lượng tại Nghệ An; giải pháp thay thế dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và 2; đề xuất một số giải pháp tài chính cho chuyển dịch NLTT tại Nghệ An; các rủi ro pháp lý và giải pháp khắc phục khi chuyển dịch NLTT tại địa phương; tính hiệu quả, đóng góp của dự án NLTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; những tác động tới đời sống, việc làm người dân vùng dự án ở thời điểm hiện tại và trong tương lai; quy trình xử lý thiết bị điện, pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường…

Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát sơ bộ, Nghệ An có khoảng 1.600 ha diện tích có thể khai thác đầu tư năng lượng mặt trời, tương đương công suất 1.300 MWp. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn và vướng mắc nên đến nay Nghệ An chưa có nhà máy điện mặt trời nào được duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực.

Ngân Hà