Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 12/2021

Thứ hai, 5/4/2021 | 09:08 GMT+7
Dự án công nghệ tế bào quang điện có tổng mức đầu tư 500 triệu USD sẽ được triển khai trong thời gian tới đây tại khu công nghiệp Sông Khoai, Quảng Ninh.

Dự án công nghệ tế bào quang điện 500 triệu USD tại Quảng Ninh

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam có tổng mức đầu tư 500 triệu USD cho Công ty Jinko Solar Hong Kong.

Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam được đầu tư tại khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai có quy mô vốn đầu tư 11.499,86 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), diện tích sử dụng đất 32,6 ha.

Jinko Solar Hong Kong là một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến trên thế giới. Để tiếp tục mở rộng diện sản xuất, đoàn khảo sát của JinkoSolar đã đến Việt Nam 2 lần để khảo sát tổng cộng hơn 20 tỉnh thành, hơn 30 KCN ở Việt Nam và quyết định lựa chọn KCN Sông Khoai để đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được đầu tư, đi vào hoạt động chính thức sau 7 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự kiến, dự án sẽ được động thổ vào tháng 4 và chính thức đi vào sản xuất vào cuối tháng 10 năm nay.

Dự án sử dụng dây chuyền công nghệ, hệ thống máy móc thiết bị mới 100%, nhập khẩu đồng bộ từ nước ngoài. Theo phân tích của nhà đầu tư, doanh thu bình quân năm của dự án đạt gần 1.300 triệu USD; tạo việc làm cho trên 2.000 lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện nhà đầu tư dự án

Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam là dự án đầu tư thứ cấp đầu tiên tại KCN Sông Khoai, cũng là dự án đầu tư đầu tiên được cấp giấy giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào khu kinh tế ven biển Quảng Yên kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tại Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020, phù hợp với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc... Giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Ninh định hướng tập trung phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, tăng tỷ trọng của ngành chế biến, chế tạo, công nghệ cao, thông minh.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Tập đoàn Amata – chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Khoai và Công ty Jinko Solar Hong Kong. Chỉ trong thời gian ngắn, hai bên đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thành hồ sơ thủ tục về đầu tư, đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng... Đồng thời, thống nhất thành lập tổ công tác dự án, yêu cầu các đơn vị liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế - xã hội - môi trường và bảo đảm an ninh trật tự.

Hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ điện gió ngoài khơi, sản xuất hydro xanh

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn quốc tế Großmann Ingenieur Consult GmbH (GICON®) đã vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới ở Việt Nam theo hình thức trực tuyến.

Theo biên bản hợp tác, VPI và GICON® sẽ hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới ở Việt Nam, trọng tâm là sản xuất điện gió ngoài khơi và sử dụng khi không được huy động để sản xuất hydro bằng nước biển; sử dụng công nghệ sinh học và điện phân nước để chuyển hóa sinh khối thành methane sinh học.

Hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, trọng tâm là quản lý năng lượng (lập kế hoạch, cung cấp các giải pháp tối ưu hóa năng lượng); công nghệ sản xuất hydro và điện từ nguyên liệu tái tạo và khí sinh học; nghiên cứu đa dạng sinh học; đánh giá độc tính sinh thái.

VPI và GICON® ký biên bản ghi nhớ hợp tác theo hình thức trực tuyến

Theo GS.TS. Jochen Grossmann, Chủ tịch GICON®, GICON® sẽ tăng cường hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm với VPI trong các lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo (từ gió, mặt trời và sinh khối), quản lý năng lượng, công nghệ xử lý chất thải, công nghệ sinh học (như hệ thống lên men kỵ khí và phản ứng quang sinh, nghiên cứu đa dạng sinh học và đánh giá độc tính môi trường)...

Hiện GICON® đang sở hữu số lượng lớn bằng sáng chế, đặc biệt là các công nghệ năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường. GICON® cũng quan tâm đến việc áp dụng và tiếp tục triển khai các công nghệ này tại Việt Nam cùng với đối tác VPI.

TS. Phan Ngọc Trung, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)  cho biết, chuyển dịch năng lượng là xu hướng lớn, mang tính cách mạng, dự báo có quy mô và tác động lớn trên toàn thế giới. Trong chiến lược xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho PVN, VPI được giao trọng trách đóng vai trò hạt nhân, liên kết với các tổ chức/cá nhân trên thế giới để nghiên cứu phát triển, cung cấp những sản phẩm, giải pháp công nghệ mới, đột phá để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh cho các đơn vị trong ngành dầu khí Việt Nam.

Lãnh đạo PVN đánh giá cao các ý tưởng, kế hoạch về việc phối hợp triển khai chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đào tạo của VPI và GICON®.

TS Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng VPI chia sẻ: Chúng tôi kết hợp thế mạnh của GICON® trong nghiên cứu, phát triển và kỹ thuật với sự am hiểu của VPI về điều kiện đặc thù ở khu vực Đông Nam Á, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Sản xuất điện và hydro xanh là chủ đề của tương lai mà chúng tôi lên kế hoạch triển khai các dự án thử nghiệm để tìm ra những công nghệ, giải pháp tối ưu.

Tập huấn về hiệu quả năng lượng cho các doanh nghiệp

Trong 2 ngày 30 – 31/3, chương trình tập huấn về hiệu quả năng lượng cho các doanh nghiệp, nằm trong khuôn khổ Chương trình nâng cao năng lực của Đội quản lý hiệu quả năng lượng (SEEG) được tổ chức tại TPHCM.

Hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (gọi tắt là dự án 4E), thuộc chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ triển khai. Hơn 60 cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên từ 12 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm ở miền Nam đã tham gia vào buổi tập huấn. 

Trong khóa học, học viên được tiếp cận với các kiến thức về tiết kiệm năng lượng trong các hệ thống tiệu thụ năng lượng lớn như: chiếu sáng; hệ thống nhiệt, hệ thống hơi, hệ thống điều hòa không khí cục bộ, hệ thống lạnh công nghiệp… Học viên có thể ứng dụng kiến thức từ khóa học để xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại doanh nghiệp của mình. 

Đây là khóa tập huấn đầu tiên trong chuỗi tập huấn về Đội quản lý hiệu quả năng lượng do dự án 4E tổ chức. Dự kiến trong tháng 4 sẽ có thêm hai khóa đào tạo dành cho hơn 90 cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên từ 18 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm ở miền Bắc được tổ chức tại Hà Nội và Bắc Ninh.

Quang cảnh khóa tập huấn. (Ảnh: GIZ)

Phát biểu tại sự kiện, ông Markus Bissel, Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng của dự án 4E cho biết: “Khóa đào tạo lần này được kỳ vọng sẽ trang bị những kiến thức nền tảng cho Đội quản lý hiệu quả năng lượng tại các công ty để xây dựng các kế hoạch sử dụng năng lượng phù hợp và thiết thực trong vận hành doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp vừa tiết kiệm được chi phí vừa góp phần giảm phát thải ra môi trường, hướng đến phát triển xanh và bền vững”.

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu, đảm bảo sự phát triển bền vững là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, xét trên tình hình thực tế, nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các giải pháp tối ưu hóa hiệu quả năng lượng. Từ thực tiễn đó, dự án 4E mong muốn khóa tập huấn sẽ góp phần giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp. 

Khoá đào tạo Hiệu quả năng lượng là hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình Đội quản lý hiệu quả năng lượng (SEEG) hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. Với mục tiêu giúp các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm nâng cao năng lực thực hành, nhận diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, xây dựng một văn hóa tiết kiệm năng lượng tại mỗi doanh nghiệp, chương trình là nơi để các học viên có thể trau dồi, bổ sung các kiến thức nền, kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế được chia sẻ từ các giảng viên sẽ hỗ trợ học viên trong công tác triển khai tiết kiệm năng lượng thực tế tại nhà máy. 

Sau khóa đào tạo này, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đào tạo về hệ thống quản lý năng lượng ISO50001 và tiếp tục được hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ trong suốt 1 năm để hoàn thiện bản Kế hoạch hành động về hiệu quả năng lượng cho doanh nghiệp (FEEAP). Chương trình cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thực hiện tại bản Kế hoạch này, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ngân Hà