Năng lượng phát triển

Bản tin năng lượng số 17/2020

Thứ hai, 4/5/2020 | 08:28 GMT+7
Khách hàng của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) khi tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) trong năm 2020 sẽ được hỗ trợ tiền mặt 2 - 5 triệu đồng tùy theo công suất hệ thống, thực hiện công việc thủ tục liên quan đến thay thế công tơ điện 2 chiều và cung cấp dịch vụ bảo trì miễn phí cho hệ thống trong 2 năm đầu.

Khách hàng tại Hà Nội được hỗ trợ tiền mặt khi lắp đặt hệ thống ĐMTAM

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Thủ đô lắp đặt hệ thống ĐMTAM, tháng 3/2020, EVNHANOI ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển ĐMTAM trên địa bàn TP Hà Nội với Công ty CP quốc tế Sơn Hà (Tập đoàn Sơn Hà). Theo đó, khách hàng tại Hà Nội khi tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trong năm 2020 sẽ được hỗ trợ tiền mặt 2 triệu đồng cho hệ thống có công suất dưới 3KWp và 5 triệu đồng cho hệ thống có công suất từ 3KWp trở lên, thực hiện công việc thủ tục liên quan đến thay thế công tơ điện 2 chiều và cung cấp dịch vụ bảo trì miễn phí cho hệ thống trong 2 năm đầu.

ĐMTAM là một trong những giải pháp giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện

Theo bà Tô Lan Phương, Trưởng ban kinh doanh EVNHANOI: “Với người dân Thủ đô, việc lắp đặt hệ thống ĐMTAM sẽ làm giảm sức nóng cho các tòa nhà, công sở, giảm chi phí tiền điện, đồng thời giảm công suất nguồn cho lưới điện Hà Nội khi hệ thống điện có sự cố ngắn hạn trong những ngày thời tiết nắng nóng cực đoan”.

Khách hàng tại Hà Nội có nhu cầu lắp đặt hệ thống ĐMTAM có thể liên hệ qua các kênh tiếp nhận: Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNHANOI qua tổng đài 19001288 (phục vụ 24/7), truy cập website cskh.evnhanoi.com.vn hoặc các phòng giao dịch khách hàng tại các công ty điện lực trực thuộc.

Ứng dụng AI trong kiểm tra, quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang phối hợp với tập đoàn công nghệ IBM nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiểm tra, quản lý vận hành lưới điện truyền tải.

Tại EVNNPT, thiết bị bay không người lái (UAV) đã được sử dụng trong công tác kiểm tra, quản lý vận hành đường dây, xử lý dây diều, vật thể mắc vào dây dẫn. Việc ứng dụng UAV giúp tiết kiệm thời gian, công sức lực lượng công nhân, đặc biệt giảm nguy cơ tai nạn lao động do trèo cao.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là trong các đợt kiểm tra, thiết bị ghi, chụp lại một khối lượng rất lớn hình ảnh, việc phân loại, đánh giá tình trạng vận hành thiết bị từ khối lượng lớn hình ảnh này mất rất nhiều công sức của đội ngũ quản lý vận hành.

Để giải quyết vấn đề đó, EVNNPT đang phối hợp với IBM nghiên cứu ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh thu thập được. Dự án gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: thu thập, phân loại hình ảnh linh phụ kiện thiết bị (sử dụng UAV bay chụp trong quá trình kiểm tra và các hình ảnh từ các nguồn khác). Giai đoạn này cần chụp càng nhiều hình ảnh, hình ảnh càng chi tiết càng tốt. Hình ảnh càng chi tiết thì độ chính xác nhận diện của AI càng cao.

Giai đoạn 2: phối hợp với IBM khởi tạo danh sách thiết bị, phân loại chi tiết các tiên thiệt bị, phụ kiện; “huấn luyện” AI nhận diện các thiết bị từ tổng quát đến chi tiết. Giai đoàn này mất nhiều thời gian và công sức để “huấn luyện” AI phân biệt từng chi tiết, từng dạng hư hỏng và đánh giá tình trạng thiết bị.

Ứng dụng AI trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Giai đoạn 3: hoàn thiện phần mềm, triển khai sử dụng UAV bay tự động kiểm tra và ứng dụng AI phân tích hình ảnh. Giai đoạn này sẽ xây dựng các phương án để thiết bị UAV có thể bay tự động kiểm tra được đầy đủ linh phụ kiện, đường dây và hoàn thiện phần mềm AI phân tích đánh giá hình ảnh kiểm tra.

Đến nay, giai đoạn 1: EVNNPT đã và đang tiếp tục sử dụng UAV và các nguồn khác để thu thập hình ảnh trong quá trình kiểm tra đường dây. Giai đoạn 2: EVNNPT đã phối hợp với IBM khởi tạo danh sách thiết bị, đồng thời tiến hành nạp hình ảnh hiện có để “huấn luyện” AI học và nhận diện bước đầu các thiết bị cơ bản trên đường dây. Hiện nay đã gán tên cho trên 1.000 vật thể ở mức độ đơn giản và phần mềm đã tự phân loại, sắp xếp tự động dữ liệu theo cột và khoảng cột.

Hiện nay, EVNNPT đang tiếp tục thu thập hình ảnh chi tiết và “huấn luyện” AI nhận diện chi tiết các linh, phụ kiện, các loại hư hỏng và từng bước thử nghiệm đánh giá độ chính xác của AI.

Hoàn thành giai đoạn 1 dự án TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối vào tháng 6/2020

Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) Nguyễn Đức Tuyển mới đây đã kiểm tra hiện trường và họp điều độ thi công xây dựng dự án TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối.

Dự án TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, CPMB quản lý điều hành dự án. Dự án được khởi công ngày 27/12/2019, có công suất (2x250MVA), được xây dựng tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Công trình TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối là công trình trọng điểm với mục tiêu giảm tổn thất công suất cực đại lưới điện khu vực; nâng cao, cải thiện điện áp lưới điện 110kV khu vực; thu gom nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực để truyền tải công suất lên lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia.

Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công và cung cấp vật tư thiết bị, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Tuy nhiên, với nỗ lực của các bên liên quan, đến nay, mặt bằng trạm biến áp và đường dây vào trạm biến áp đã hoàn thành bàn giao. Phần nhánh rẽ 220kV đã bàn giao cho đơn vị thi công 09/12 vị trí, còn 03 vị trí chưa bàn giao do các hộ dân chưa đồng thuận với đơn giá đền bù. Các phòng chức năng CPMB liên tục bám sát UBND huyện Ninh Phước để vận động các hộ bàn giao mặt bằng trước 15/5/2020 và UBND huyện Thuận Nam để hoàn chỉnh các trình tự phê duyệt phương án bồi thường, dự kiến trước ngày 10/5/2020.

CPMB đang yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án

Phần thi công, trạm biến áp đã hoàn thành bóc lớp thực vật, đắp đất đạt 81%; đang thi công hàng rào, bể dầu sự cố, nhà điều khiển, bể nước phòng cháy chữa cháy, đường mở rộng, nhà điều khiển, đường mở rộng, mương cáp, hệ thống cấp, thoát nước, tiếp địa; hoàn thành các hạng mục móng cột cổng 220kV, 110kV, móng MBA, móng trụ đỡ thiết bị, đang xây tường rào, lắp đặt cột cổng thanh cái. Phần đường dây đấu nối hoàn thành 9/12 vị trí.

Về tình hình cung cấp vật tư thiết bị, đã có quyết định điều động vật tư thiết bị đảm bảo điều kiện đóng điện tháng 6/2020. Gói thầu cung cấp và vận chuyển MBA 220kV - 250MVA dự kiến ngày 15/05/2020 MBA đến trạm. Gói thầu cung cấp và vận chuyển vật tư thiết bị nhất thứ và phụ kiện thực hiện điều động từ dự án TBA 220kV Tây Ninh 2 và đấu nối dự kiến vận chuyển lên công trường kết thúc trước 30/4/2020. Các gói cách điện và phụ kiện đường dây đấu nối, gói dây dẫn, dây chống sét, cáp quang và phụ kiện, kẹp cực thiết bị, chuỗi cách điện và phụ kiện trong trạm; vật tư thiết bị nhị thứ, thiết bị thông tin và Scada... tất cả dự kiến sẽ kết thúc trước cuối tháng 5/2020.

Tại công trường, Giám đốc CPMB Nguyễn Đức Tuyển yêu cầu, trong thời gian tới, các bên cần phải tập trung thực hiện và bằng mọi giải pháp để đóng điện giai đoạn 1 vào tháng 6/2020 theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/EVNNPT.

Theo đó, về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, các phòng chức năng và tư vấn đền bù phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khẩn trương dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trước ngày 15/5/2020. Về công tác thi công, các đơn vị thi công tập trung nhân lực, phương tiện máy móc lập tiến độ theo dõi chi tiết công việc, bám sát nội dung thi đua đã cam kết với CPMB, đôn đốc, giám sát, giải quyết kịp thời mục tiêu đề ra trong tuần, tháng, quý, đảm bảo tiến độ, chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị; không để xảy ra tai nạn lao động.

Để đảm bảo hoàn thành dự án giai đoạn 1 vào tháng 6/2020, thời gian tới các đơn vị cần tập trung cao độ, thi công kể cả vào các ngày nghỉ, ngày lễ, tăng ca kíp, hoàn thành các hạng mục công việc còn lại. Về công tác cung cấp vật tư thiết bị, cán bộ CPMB phải thường xuyên đôn đốc bám sát các tiến độ của công tác vật tư thiết bị tránh chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

PV