Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 22/2020

Thứ hai, 8/6/2020 | 09:01 GMT+7
Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu và mong muốn đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Quảng Bình.

Quảng Bình phát triển năng lượng tái tạo

Tỉnh Quảng Bình đang phối hợp với Viện Năng lượng triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời. Dự kiến tổng công suất đạt gần 1.200 MW trên địa bàn các xã: Ngư Thủy Bắc, Sen Thủy, Hưng Thủy huyện Lệ Thủy; Nam Trạch, Lý Trạch, huyện Bố Trạch và các mặt hồ nước lớn trong tỉnh như: Bàu Sen, Bàu Bàng, Bàu Mía, Phú Vinh…

Ngày 14/7/2019, UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2545/QĐ-UBND cho dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5 MW thuộc tổ hợp dự án điện năng lượng tái tạo Dohwa Lệ Thủy của Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa. Dự án Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy có tổng mức đầu tư 55,6 triệu USD, trong đó vốn chủ sở hữu là 16,7 triệu USD, vốn vay 38,9 triệu USD. Đến nay, Công ty Dohwa đã hoàn thành một số hạng mục công việc, bao gồm: hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, được Bộ Công Thương thẩm định phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết; ký hợp đồng mua, bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); rà phá bom mìn; đánh giá tác động môi trường; đánh giá hiện trạng rừng để lập phương án nộp quỹ trồng rừng thay thế, nộp bão lãnh thực hiện hợp đồng liên quan… Dự kiến, trang trại điện mặt trời Dohwa có tổng công suất lắp đặt 49,5MWp, sản lượng điện dự kiến là 77 triệu kWh/năm.

Sơ đồ dự kiến đấu nối xây dựng TBA 110kV Dohwa và trang trại điện mặt trời dự kiến

Tổng công ty Điện lực miền Trung sẽ sớm xây dựng mới 01 TBA công suất 2x40MVA (giai đoạn 1 lắp 01 MBA), đường dây 110kV dài 13,42km đầu nối từ thanh cái TBA 110kV Cam Liên đến TBA 110kV Lệ Thủy phục vụ việc đấu nối vào lưới điện quốc gia khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.

Bên cạnh điện mặt trời thì hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang phối hợp với Công ty tư vấn Điện 3 triển khai lập quy hoạch phát triển điện gió. Dự kiến quy hoạch công suất 1.160 MW trên địa bàn các xã: Gia Ninh, Hải Ninh huyện Quảng Ninh; Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Sen Thủy, Văn Thủy, Thái Thủy, Hồng Thủy, Hoa Thủy của huyện Lệ Thủy; Dân Hóa, huyện Minh Hóa; Trung Trạch, Tây Trạch, huyện Bố Trạch. Đến nay, 4 nhà đầu tư xin đăng ký thực hiện dự án. Trong đó, dự án Cụm trang trại điện gió B&T được chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ khởi công trước ngày 10/10/2020.

Dự án Cụm trang trại điện gió B&T với tổng công suất 252MW tại xã Gia Ninh, Hải Ninh huyện Quảng Ninh và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy có tổng mức đầu tư là 8.904 tỷ đồng, gồm 2 dự án là trang trại điện gió B&T1 có công suất 109,2 MW với kế hoạch vận hành vào tháng 12/2020 và trang trại điện gió B&T2, công suất 142,8 MW với kế hoạch vận hành tháng 6/2021. Trước mắt, triển khai dự án trang trại điện gió B&T1 có tổng công suất 109,2 MW bao gồm có 26 turbine công suất mỗi turbine 4,2MW và các máy biến áp trung áp 0,72/35kV cùng thiết bị phụ trợ kèm theo, đường kính trụ quay 150m, chiều dài cánh 73,66m và phần trụ quay được treo trên cao cột thép 125m.

Để truyền tải lưới điện từ trang trại điện gió lên lưới điện 220kV (điểm mua bán điện), ngành điện cần phải xây dựng trạm biến áp nâng áp 35/220kV B&T1 và đường dây 220kV dài 18,28km, trạm cắt 220kV B&T đấu nối chuyển tiếp trang trại điện gió vào đường dây 220kV Đông Hà – Đồng Hới (mạch 1) hiện có.

Vestas ký đơn đặt hàng với tổng công suất 144MW điện gió tại Việt Nam

Vừa qua, Vestas châu Á Thái Bình Dương Singapore thông báo việc Vestas đã ký đơn đặt hàng lớn nhất tại Việt Nam tính đến nay với tổng công suất 144MW cho ba dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên (tại tỉnh Quảng Trị).

Chủ đầu tư 3 dự án điện gió là Công ty CP Xây lắp Điện I (PCC1), hợp tác với RENOVA, Inc., một công ty năng lượng tái tạo của Nhật Bản. Theo đó, Vestas sẽ cung cấp, vận chuyển, lắp đặt và vận hành tổng cộng 36 tua bin gió V150-4,2 MW ở mức công suất đặt 4 MW nhằm tối đa hóa sản lượng điện cho cả ba dự án. Đơn đặt hàng mới này đưa tổng công suất đặt hàng của Vestas trong năm 2020 tại Việt Nam lên hơn 300 MW.

Ông Clive Turton, Chủ tịch Vestas châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Vestas rất vui mừng được hợp tác với PCC1 và RENOVA cho 3 dự án điện gió này. Thời hạn thực hiện biểu giá điện hỗ trợ tại Việt Nam đang đến rất gần và khách hàng của chúng tôi cần một đối tác đáng tin cậy để đảm bảo rằng các dự án có thể được thực hiện một cách chuyên nghiệp, trước thời hạn tháng 10/2021. Với lịch sử lâu đời của công ty tại Việt Nam và đội ngũ nhân viên trong nước, chúng tôi rất vui khi có thể cung cấp mọi sự hỗ trợ mà khách hàng của chúng tôi cần từ hợp đồng cho đến thực hiện dự án”.

Đại diện Công ty CP Xây lắp Điện I chính thức xác nhận hợp đồng trên và cho biết: Chúng tôi lựa chọn Vestas là đơn vị cung cấp hợp đồng tua bin các dự án điện gió bởi uy tín và năng lực trên thị trường. Vestas là đối tác toàn cầu của ngành công nghiệp năng lượng về các giải pháp năng lượng bền vững. Vestas đã thiết kế, sản xuất, lắp đặt với hơn 115 GW tuabin gió ở 81 quốc gia.

3 dự án nhà máy điện gió hiện đang được triển khai thực hiện và dự kiến sẽ đi vào vận hành trong quý III/2021.

Gắn biển công trình TBA 500kV Vĩnh Tân

Tại trạm biến áp (TBA) 500 kV Vĩnh Tân, Đảng ủy Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) vừa tổ chức lễ gắn biển dự án nâng công suất (NCS) TBA 500kV Vĩnh Tân, chào mừng Đại hội Đảng bộ EVNNPT, tiến tới Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Hữu Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) cho biết: Dự án NCS TBA 500kV Vĩnh Tân được SPMB khởi công ngày 29/2/2020. Dự án được chia thành 3 giai đoạn (GĐ). GĐ1 lắp đặt MBA AT1 500kV – 900 MVA và các thiết bị liên quan. GĐ2 lắp đặt MBA AT2 500kV – 900 MVA và các thiết bị liên quan. GĐ3 được SPMB với các hạng mục lắp thiết bị các ngăn lộ 220kV và thi công chuyển ngăn.

GĐ1 của dự án được Đảng ủy Tổng công ty chọn gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ EVNNPT tiến tới Đại hội Đảng bộ EVN. Đảng ủy, lãnh đạo SPMB đã tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo, cùng với các đơn vị tham gia dự án bố trí đủ phương tiện, nhân lực vừa bảo đảm công tác thi công.

Các đại biểu gắn biển công trình TBA 500kV Vĩnh Tân

Hiện nay SPMB đã hoàn thành đóng điện GĐ1, 2 và tiếp tục triển khai thi công GĐ3 để bàn giao cho PTC3. Dự án đóng điện đưa vào vận hành 2 MBA vượt tiến độ kế hoạch được giao nên đã làm lợi khoảng 80 tỷ đồng thông qua việc truyền tải tăng thêm sản lượng điện trước lượng công suất khoảng 770.000 MWh (giá trị làm lợi chưa tính đến lợi nhuận của EVN trong kinh doanh 770.000 MWh).

Tại buổi lễ gắn biển, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT đã biểu dương SPMB và các đơn vị liên quan đã có những nỗ lực giải quyết mọi khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa thi công dự án bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn cho người lao động.

Ngày 17/4 vừa qua, SPMB đóng điện vận hành MBA AT1-500kV - 900 MVA vượt tiến độ 73 ngày. Ngày 28/5, SPMB đóng điện vận hành MBA AT2 500kV - 900 MVA vượt tiến độ 32 ngày theo kế hoạch giao của EVNNPT trong năm 2020.

MBA AT1 500kV – 900MVA TBA 500kV Vĩnh Tân 

Việc hoàn thành dự án NCS TBA 500kV Vĩnh Tân góp phần giải phóng công suất các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực để truyền tải công suất lên lưới truyền tải điện quốc gia, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu dân sinh cho các tỉnh thành phía Nam trong thời gian tới, cũng như góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của EVN và EVNNPT.

PV