Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 30/2020

Thứ hai, 3/8/2020 | 09:12 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (Thông tư 18).

Thông tư mới về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời

Thông tư 18 quy định, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 13).

Thông tư gồm 10 điều, quy định một số nội dung chính sau:

Phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới: về giá mua điện; nội dung hồ sơ thiết kế cơ sở và các nội dung khác; diện tích sử dụng đất, mặt nước có thời hạn của dự án.

Phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà: giá mua bán điện đối với trường hợp bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và trường hợp bên mua điện không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam; trình tự thực hiện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà; miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và các nội dung khác.

Ban hành hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho dự án điện mặt trời nối lưới và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Thông tư 18 quy định, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 13)

Theo đó, dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại (hoàn thành các thử nghiệm ban đầu đối với toàn bộ hoặc một phần công trình theo quy đinh; đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát diện; bên bán điện và bên mua điện chốt chỉ số công tơ để bắt đầu thanh toán) của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện quy định tại Phụ lục của Quyết định số 13.

Dự án điện mặt trời nối lưới trên địa bàn tình Ninh Thuận có giá bán điện được xác định trên cơ sở thứ tự về thời gian công nhận ngày vận hành thương mại (hoàn thành các thử nghiệm ban đầu đối với toàn bộ hoặc một phần công trình theo quy định; đã được cơ quan có thẩm quyền cắp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện; bên bán điện và bên mua điện chốt chỉ số công tơ để bắt đầu thanh toán) dự án hoặc một phần dự án, cụ thể: công suất của một phần hoặc toàn bộ dự án có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 thuộc tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW được áp dụng giá bán điện quy định tại khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13; công suất của một phần hoặc toàn bộ dự án không thuộc tổng công suất tích lũy 2.000 MW, đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 được áp dụng giá bán điện quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 13.

Nội dung hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án điện mặt trời phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành và các yêu cầu sau: đặc điểm khu vực, tiềm năng bức xạ mặt trời của dự án; đánh giá ảnh hưởng của phương án đấu nối của dự án điện mặt trời đối với vận hành an toàn, ổn định với hệ thống điện trong khu vực; thiết kế, kết nối hệ thống SCADA hoặc thông tin điều độ; diện tích sử dụng đất, mặt nước của dự án không quá 1,2ha/1 MWp.

Về hệ thống điện mặt trời mái nhà: nếu bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam: giá mua bán điện của hệ thống điện mặt trời mái nhà thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Quyết định số 13. Bên mua điện không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam: bên bán điện và bên mua điện tự thỏa thuận về giá mua bán điện.

Trình tự thực hiện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà: 

Bên bán điện đăng ký đấu nối với bên mua điện các thông tin bao gồm: địa điểm lắp đặt, quy mô công suất (không quá 1 MW và 1,25 MWp), đường dây tải điện, điểm đấu nối dự kiến.

Bên mua điện có ý kiến về khả năng đấu nối, truyền tải công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà của bên bán điện đăng ký đấu nối lên hệ thống lưới điện của bên mua điện. Thời hạn trả lời không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày bên mua điện nhận được đăng ký của bên bán điện.

Bên bán điện và bên mua điện thực hiện thỏa thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà của bên bán điện vào hệ thống lưới điện của bên mua điện. 

Trường hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà của bên bán điện đấu nối vào lưới điện không phải là tài sản của bên mua điện hoặc lưới điện của đơn vị phân phối và bán lẻ điện, bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận với tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu lưới điện để thực hiện thỏa thuận đấu nối. Thời hạn ký thỏa thuận đấu nối không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày bên mua điện nhận được đủ hồ sơ đấu nối điện, văn bản chấp thuận đấu nối của chủ sở hữu lưới điện (nếu có).

Bên bán điện gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà bao gồm: văn bản đề nghị bán điện, tài liệu kỹ thuật về tấm quang điện mặt trời, bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều (bộ nghịch lưu); đường dây tải điện, máy biến áp (nếu có); giấy chứng nhận xuất xưởng, chứng nhận chất lượng thiết bị (bản sao y).

Các bên thực hiện kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ đo đếm sản lượng điện, chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện, đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành. Thời hạn bên mua điện ký hợp đồng là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, hồ sơ đề nghị bán điện của bên bán điện. 

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực

Tùy thuộc điều kiện cụ thể và yêu cầu kỹ thuật của từng hệ thống điện mặt trời mái nhà, bên bán điện và bên mua điện thống nhất trình tự thực hiện tuần tự hoặc kết hợp đồng thời với các hạng mục, công việc.

Đặc biệt, Thông tư nêu rõ, bên bán điện phải đảm bảo bộ nghịch lưu có chức năng cắt hòa lưới điện khi lưới điện của bên mua điện không có điện, chống khả năng can thiệp, chiếm quyền giám sát hoạt động, vận hành từ các yếu tố bên ngoài và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật về chất lượng điện năng.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Thông tư cũng nêu rõ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố nội dung hồ sơ xin thỏa thuận đấu nối, thí nghiệm, ký hợp đồng mua bán điện và nghiệm thu để đưa vào vận hành áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà; định kỳ 6 tháng thực hiện tổng hợp, báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên toàn quốc.

Chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi hoạt động vận hành các nhà máy điện mặt trời (bao gồm cà điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nối lưới) theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện có sự xâm nhập trái phép từ bên ngoài, phần mềm giám sát thiết bị hoạt động nhà máy điện của bên bán điện chứa các nội dung vi phạm pháp luật, thực hiện tạm dừng kết nối với hệ thống điện, lập biên bản và báo cáo Bộ Công Thương để xử lý.

Bên bán điện: tuân thủ quy định vận hành, điều độ hệ thống điện, quy định hệ thống điện truyền tải, quy định hệ thống điện phân phối do Bộ Công Thương ban hành; thường xuyên kiểm tra hoạt động vận hành, phần mềm giám sát hoạt động thiết bị điện mặt trời và có phương án chống sự can thiệp, xâm nhập trái phép từ bên ngoài. Không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin; thực hiện công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ và an toàn điện theo đúng quy định của pháp luật. Thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh của các công trình điện mặt trời trong quá trình xây dựng, vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật về môi trường.

Thông tư 18 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2020.

Khánh thành công trình điện mặt trời mái nhà lớn nhất tại Quảng Bình

Tại phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) – đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) mới đây đã phối hợp với Công ty CP Smetech tổ chức lễ khánh thành công trình điện mặt trời mái nhà công suất 998,6 kWp. 

Công trình điện mặt trời mái nhà Smetech được lắp đặt tại trụ sở Công ty TNHH Hải Hậu ở phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn. Sau hơn 40 ngày triển khai thi công (từ ngày 15/6 – 28/7/2020), công trình chính thức được đóng điện vận hành. 

Công trình có tổng công suất lắp đặt 998,6 kWp với tổng kinh phí đầu tư ước tính khoảng 13 tỷ đồng. Đây hiện là công trình điện mặt trời mái nhà có công suất lớn nhất tại tỉnh Quảng Bình được đóng điện, ký hợp đồng bán điện với Điện lực Quảng Bình.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái

Ông Tống Văn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Hải Hậu cho biết: “Ngoài việc kinh doanh bán điện và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp thì việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng giúp cho nhiệt độ phân xưởng phía dưới giảm 5 - 7 độ C, qua đó gián tiếp giảm chi phí làm mát cho doanh nghiệp. Dự án này còn góp phần quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp chúng tôi như những đơn vị tiên phong sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất kinh doanh, đóng góp một phần nhất định trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cộng đồng”.

Dự kiến cuối năm nay đưa vào vận hành nhà máy điện rác Nam Sơn

Nhà máy điện rác Nam Sơn do Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1) lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật đã đạt 50% khối lượng thi công, dự kiến cuối năm đưa vào vận hành với công suất 4.000 tấn/ngày, xử lý rác cho các quận nội thành Hà Nội. 

Đây là nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Đông Nam Á với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học (ghi di động) của Bỉ với công suất khoảng 75MW.

Khi đưa vào vận hành, nhà máy có khả năng xử lý triệt để các loại chất thải rắn như cao su, da, nhựa, vải, bã giấy, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt đã phân hủy và cả những loại chất thải công nghiệp đòi hỏi nhiệt trị cao, kích thước lớn.

Theo PECC1, năng lượng từ quá trình đốt rác được thu hồi để sản xuất điện, góp phần phát triển năng lượng thay thế và giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần giải quyết bài toán năng lượng, giảm đáng kể diện tích đất sử dụng cho mục đích chôn lấp rác và mở ra thêm một hướng đi mới giải quyết triệt để bài toán xử lý rác thải cũng như tận dụng tài nguyên rác cho TP Hà Nội.

PV