Bản tin năng lượng số 3/2019

Thứ hai, 11/11/2019 | 09:03 GMT+7
Công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2019, USAID hỗ trợ Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng đô thị... là một số thông tin nổi bật tuần qua.

Công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2019

Tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam vừa công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 (EOR 2019).

EOR 2019 là sản phẩm hợp tác giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Cục Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch.

Để thực hiện được mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, EOR 2019 khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đảo ngược xu thế tiêu thụ than ở mức cao; tăng cường các phương tiện sử dụng năng lượng hiệu quả; hỗ trợ các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng quy mô lớn.

Đặc biệt, EOR 2019 khuyến nghị, tiết kiệm năng lượng cần được Việt Nam ưu tiên hàng đầu trong quy hoạch điện VIII bằng khung pháp lý ổn định, đơn giản, minh bạch và tăng cường tính cạnh tranh. Các dự án năng lượng tái tạo có thể đạt được tỷ lệ 40% năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030.

EVN đạt được tín dụng hợp vốn 780 tỷ đồng cho dự án Điện mặt trời Phước Thái 1

3 ngân hàng: VIB, Taipei Fubon (chi nhánh Hà Nội và TPHCM) và Woori Bank Việt Nam vừa công bố gói cấp tín dụng hợp vốn 780 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tài trợ dự án Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 1 (Ninh Thuận).

Đây là khoản tín dụng hợp vốn đầu tiên được thu xếp bởi một ngân hàng trong nước với sự tham gia đồng tài trợ hoàn toàn từ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Sự kiện này cũng tiếp tục khẳng định uy tín của EVN trên thị trường tài chính, sự tín nhiệm và tinh thần hợp tác, hỗ trợ của các ngân hàng tài trợ trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 1 có công suất 50 MWp (tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) do EVN làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.113 tỷ đồng, sử dụng vốn vay thương mại trong nước và vốn đối ứng của EVN. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong quý IV/2019 và hoàn thành sau 9 tháng xây dựng, khi đi vào vận hành sẽ đóng góp khoảng 80,975 triệu kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia.

Trước đó, vào tháng 6/2018, EVN là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên ở Việt Nam được Fitch Ratings, một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới xếp hạng nhà phát hành nợ ở mức BB với "viễn cảnh ổn định" về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ, ngang bằng hệ số tín nhiệm quốc gia. Xếp hạng này giúp EVN hoạt động minh bạch hơn và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, tạo tiền đề tiếp cận với các nhà tài trợ mới, cũng như các nguồn vốn mới cho đầu tư, phát triển các dự án điện nói chung và điện năng lượng tái tạo nói riêng.

USAID hỗ trợ Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng đô thị

USAID hỗ trợ Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng đô thị

Tại TPHCM, mới đây, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Bộ Công Thương, Sở Công Thương TPHCM công bố sự kiện USAID tài trợ dự án “An ninh năng lượng đô thị Việt Nam”.   

Với trị giá 14 triệu USD, dự án được thực hiện trong 4 năm (2019 - 2023) với mục tiêu thúc đẩy triển khai những giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến ở một số khu vực đô thị được chọn tại Việt Nam, trong đó có TPHCM.

Dự án sẽ giúp giải quyết nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam và vấn đề ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị thông qua phối hợp với chính quyền các thành phố, tạo cơ hội kinh doanh cho những doanh nghiệp khu vực tư nhân. Dự án hỗ trợ triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến như công nghệ điện mặt trời áp mái tại các hộ gia đình, công nghệ lưu điện thế hệ tiếp theo và những phương thức vận tải sạch hơn.

Đại diện USAID cũng trao tặng Bộ Công Thương phần mềm PLEXOS và phần cứng đi kèm. Các công cụ tiên tiến này sẽ giúp Bộ Công Thương mô phỏng hoạt động vận hành của các nhà máy điện trong thời gian nhiều năm nhằm đặt ra những mục tiêu tối ưu về sản xuất và truyền tải năng lượng hiệu quả.

Bộ Công Thương nhận trách nhiệm về việc quá tải điện mặt trời

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải đáp một số vấn đề về quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; quản lý điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực...

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về các vấn đề liên quan đến điện mặt trời gồm: Quy hoạch điện VII bị phá vỡ, cơ sở của mức giá 9,3 cent/kWh và sự quá tải của hệ thống lưới điện.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sở dĩ số lượng dự án điện mặt trời vượt quy hoạch là do tại thời điểm phê duyệt Quy hoạch điện VII (năm 2017), Bộ Công Thương chưa dự kiến được sự phát triển của loại hình này bởi “thời điểm đó công nghệ cũng như các điều kiện phát triển điện mặt trời không đủ để tạo đột biến”.

“Điện mặt trời, điện gió được xem là một nguồn bổ sung đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Trên thực tế, với mức giá 9,35 cent/kWh được duy trì đến hết 30/6/2019, ta đã có 4.900 MW điện mặt trời hoàn tất, đi vào vận hành, đóng góp lớn cho nguồn điện cả nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, sự phát triển quá nhanh của điện mặt trời đã kéo theo hệ lụy là sự quá tải của hệ thống truyền tải điện.

“Sự tập trung quá lớn dự án điện mặt trời ở các tỉnh có bức xạ cao như Ninh Thuận, Bình Thuận, cùng với sự thiếu chủ động của Bộ Công Thương trong dự báo, triển khai các biện pháp cần thiết dẫn đến các dự án điện mặt trời không giải tỏa hết công suất”, Bộ trưởng nói.

Để giải quyết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã báo cáo Chính phủ, xin bổ sung 15 dự án đường dây, trạm biến áp với mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ giải tỏa công suất của các dự án điện mặt trời có thể lên đến 60 - 70% (hiện tỉ lệ này là 30 - 40%).

PV