Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 5/2019

Thứ hai, 25/11/2019 | 08:59 GMT+7
3 xã đảo của tỉnh Kiên Giang sẽ có nguồn điện từ năng lượng tái tạo, động thổ 2 dự án điện mặt trời tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu... là một số tin tức năng lượng nổi bật trong tuần qua.

3 xã đảo của Kiên Giang sẽ có nguồn điện từ năng lượng tái tạo

Đoàn công tác tỉnh Kiên Giang do ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu mới đây có buổi làm việc với Bộ Công Thương.

Ông Phạm Vũ Hồng cho biết, hiện Kiên Giang còn 3 xã đảo chưa được cấp điện gồm Nam Du, An Sơn, Thổ Chu. Việc đưa điện ra các đảo này bằng nguồn điện lưới không khả thi vì khoảng cách quá xa (đảo xa nhất khoảng 120km) trong khi sản lượng tiêu thụ không nhiều. Phương án tối ưu nhất là đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo tại chỗ.

3 xã đảo của Kiên Giang sẽ có nguồn điện từ năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh đầu tư nguồn điện từ năng lượng tái tạo cho 3 xã đảo này thông qua nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu giành cho Việt Nam.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và báo cáo của các đơn vị chức năng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ ủng hộ đề xuất cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo cho các xã đảo tại Kiên Giang và giao cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nghiên cứu, hỗ trợ tỉnh sử dụng nguồn vốn không hoàn lại của Liên minh châu Âu.

Đảm bảo khí cho phát điện

Tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân và Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) Dương Mạnh Sơn mới đây đã làm việc về đảm bảo nhiên liệu khí cho sản xuất điện.

Theo Tổng giám đốc PV GAS Dương Mạnh Sơn, thời gian qua, PV GAS luôn nỗ lực cung cấp khí tối đa trong khả năng cho phép. Cụ thể, từ thời điểm khí Nam Côn Sơn về bờ (năm 2003) đến nay, nhu cầu khí cho phát điện thường xuyên ở mức cao nên tổng lượng huy động khí đã cao hơn mức bao tiêu. Nếu tiếp tục huy động khí ở mức cao như các năm trước đây, PV GAS dự báo sẽ thiếu khí cấp cho Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 từ giữa năm 2022.

Tổng giám đốc PV GAS cũng cho biết, các nguồn khí 06.1, 11.2 đang tiếp tục suy giảm. Mặc dù trong năm 2021 - 2022, Việt Nam có thể được bổ sung sản lượng từ các nguồn khí mới (mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt) nhưng giá khí sẽ cao hơn các nguồn khí hiện nay, gây tác động tới việc sản xuất kinh doanh của các nhà máy điện.

Trước thực tế này, PV GAS đề xuất 2 phương án cấp khí. Theo phương án 1, trong năm 2020, PV GAS sẽ chỉ cấp lượng khí theo hợp đồng và để dành nguồn khí 06.1, 11.2 ở lại mỏ để cấp trong các năm tiếp theo. Còn theo phương án 2, năm 2020, PV GAS sẽ tiếp tục cấp khí với sản lượng cao hơn hợp đồng đã ký, đáp ứng yêu cầu phát điện.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đề nghị PV GAS nỗ lực thực hiện các giải pháp để cấp tối đa lượng khí cho phát điện ngay trong năm 2020. Đồng thời, đề nghị PV GAS, các nhà máy điện BOT cùng phối hợp với EVN để thống nhất các phương án cấp khí, lượng khí, giá khí cho phát điện trong các năm tới và sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Lãnh đạo EVN và lãnh đạo PV GAS cũng tập trung trao đổi về phương án nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG), bổ sung sớm nguồn cung cấp khí cho khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Động thổ 2 dự án điện mặt trời nổi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Công ty TNHH Đầu tư Năng lượng Tự nhiên DTD và Công ty TNHH Phát triển Năng lượng CY mới đây đã tổ chức lễ động thổ triển khai dự án, ký kết tổng thầu EPC xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời hồ Gia Hoét 1 và  hồTầm Bó tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Gia Hoét 1 được xây dựng trên hồ Gia Hoét 1 do Công ty TNHH Đầu tư Năng lượng Tự nhiên DTD làm chủ đầu tư với diện tích sử dụng là khoảng 33.6ha, công suất 35MWp, tổng mức đầu tư 785 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Tầm Bó được xây dựng trên hồ Tầm Bó do Công ty TNHH Phát triển Năng lượng CY làm chủ đầu tư, diện tích sử dụng 33.6ha, công suất 35MWp, tổng mức đầu tư 732 tỷ đồng.

Dự kiến, 2 dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành vào tháng 8/2020.

Hiện, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 11 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 397,4 MW, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.668 tỷ đồng, trong đó 5 dự án điện mặt trời (268MW) đang triển khai; 5 dự án (96,9MW) hiện đang triển khai các thủ tục đầu tư.

Ký hợp đồng mua bán điện giai đoạn 1 dự án điện gió tại Bến Tre

Tại Hà Nội, Công ty mua bán điện Việt Nam (EVN EPTC) và công ty Nexif Energy mới đây đã ký hợp đồng mua bán điện giai đoạn 1 dự án điện gió của Nexif Energy đầu tư tại Bến Tre.

Dự án điện gió của Nexif Energy được xây dựng tại Huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre với công suất 80 MW, được chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có công suất 30 MW. Dự án có tổng mức đầu tư là 160 triệu đô la Mỹ và khi hoàn thành dự kiến ​​bắt đầu phát điện vào đầu năm 2021 sẽ tạo ra 250 GWh sản lượng điện sạch mỗi năm, đủ để cung cấp điện cho hơn 50.000 hộ dân.

Nexif Energy có kế hoạch triển khai, phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Người sáng lập đồng thời là Tổng giám đốc điều hành của Nexif Energy Matthew Bartley cho biết: “Nexif Energy chào đón cơ hội được phát triển dự án này và đóng góp cho ngành năng lượng tái tạo đang tăng trưởng nhanh chóng ở Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đạt được mục tiêu của Nexif Energy là trở thành nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực phát điện ở Việt Nam và khu vực. Chúng tôi mong muốn phát triển và đầu tư nhiều dự án hơn nữa tại Việt Nam và khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Nexif Energy có kế hoạch triển khai, phát triển các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 500 MW tại Việt Nam trong tương lai gần.

PV