Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 5/2020

Thứ hai, 10/2/2020 | 08:28 GMT+7
Sản lượng điện gió và điện mặt trời vượt điện than tại châu Âu. Trong khi đó, tại Mỹ, năng lượng tái tạo được dự đoán sẽ vượt khí tự nhiên vào năm 2040.

Gỡ vướng mắc việc xây dựng các công trình giải phóng năng lượng tái tạo

Tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo các sở, ngành mới đây đã làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) về việc đầu tư xây dựng công trình điện, đặc biệt là các công trình giải phóng năng lượng tái tạo tại tỉnh này. 

Theo Tổng giám đốc EVNSPC Nguyễn Phước Đức, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, ngành điện đang quản lý vận hành 37 tuyến đường dây 110kV với tổng chiều dài là 535,77 km; 12 trạm trạm biến áp 110kV, tổng dung lượng là 1.179 MVA.

Giai đoạn 2016 - 2019, ngành điện hoàn thành xây dựng 02 công trình 110kV; xây dựng đường dây 110kV Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né; lắp bổ sung 01 máy biến áp 63MVA. Đầu tư 702 tỷ đồng để thực hiện các công trình lưới điện trung, hạ thế gồm: hiện đại hóa hệ thống nguồn - lưới điện huyện đảo Phú Quý; xây dựng lưới điện 22kV đảm bảo cấp điện phụ tải trồng thanh long; cải tạo nâng cấp lưới điện khu vực tiếp nhận lưới điện hạ áp.

Tổng giám đốc EVNSPC cũng nêu ra những khó khăn trong việc đầu tư xây dựng các công trình điện như: công tác thoả thuận tuyến với địa phương kéo dài, chủ yếu do quy hoạch địa phương chưa có quỹ đất cho các công trình điện. Công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và kéo dài thời gian do trình tự phê duyệt phương án; đơn giá thấp; hộ dân không hợp tác; phụ thuộc vào mùa vụ… Công tác cắt điện thi công công trình cải tạo nâng cấp phải tính toán bố trí từ nhiều cấp, cũng như khách hàng và chủ đầu tư các nhà máy điện.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra tình trạng quá tải lưới điện khi nhiều nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành. EVNSPC đã nỗ lực triển khai đầu tư xây dựng các công trình lưới điện 110kV kết nối với trạm biến áp 220kV Phan Rí như: lộ ra 110kV trạm 220kV Phan Rí và đường dây 110kV mạch 2 Phan Rí - Tuy Phong - Ninh Phước; Đường dây 110kV mạch 2 Lương Sơn - Phan Rí; Đường dây  110kV mạch 2 Đại Ninh - Phan Rí.

Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu không đáp ứng kế hoạch đề ra, đồng thời EVNSPC nhận thấy việc triển khai thi công các công trình này sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như đền bù giải phóng mặt bằng, cắt điện tổ chức thi công… nên khó có thể hoàn thành, đưa công trình vào vận hành đúng tiến độ yêu cầu. Trên cơ sở đó, nhằm đảm bảo việc giải phóng công suất cho các nhà máy điện và kết nối với trạm biến áp 220kV Phan Rí, EVNSPC thực hiện xây dựng tuyến đường dây 110kV đấu nối tạm trạm 220kV Phan Rí.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải đã chỉ đạo các sở/ban ngành và UBND các huyện hỗ trợ, phối hợp cùng các đơn vị ngành điện thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho công trình.

Châu Âu: Sản lượng điện gió và điện mặt trời vượt điện than

Theo báo cáo thường niên “Lĩnh vực điện châu Âu năm 2019” do tổ chức nghiên cứu về khí hậu Sandbag hợp tác với tổ chức nghiên cứu Agora Energiewende vừa công bố, năm 2019, lần đầu tiên, tại châu Âu điện gió và điện mặt trời có sản lượng cao hơn điện than.

Cụ thể, điện gió và điện mặt trời cung cấp 18% sản lượng điện của EU, tương đương 569 TWh (terawatt giờ), trong khi sản lượng điện từ điện than chiếm 15% (469 TWh). Chỉ 5 năm trước, sản lượng điện than ở EU vẫn cao gấp đôi sản lượng điện gió và điện mặt trời. Đây là lần đầu tiên điện gió và điện mặt trời có sản lượng cao hơn điện than.

Sản lượng điện gió và điện mặt trời vượt điện than tại châu Âu

Chỉ trong 1 năm, sản lượng điện than đã giảm 24% ở EU và hiện chưa bằng một nửa so với sản lượng năm 2007, giúp giảm 12% phát thải CO2 của lĩnh vực điện – mức giảm lớn nhất từ năm 1990. Nhiều nước ở Tây Âu có mức giảm cao hơn trong khi các nước Đông Âu có mức giảm khiêm tốn hơn. Một nửa mức giảm của sản lượng điện than được thay thế bằng điện gió và điện mặt trời và một nửa còn lại được thay thế bởi điện khí.

Sản lượng điện gió và điện mặt trời tăng do công suất mới lắp đặt tăng lên và sản lượng điện khí tăng. Giá CO2 cao hơn và giá khí thấp đã thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các nhà máy điện khí với điện than.

Năm 2019, công suất điện gió tăng khoảng 14 GW, là mức cao thứ hai trong lịch sử; còn công suất điện mặt trời tăng khoảng 17 GW, gấp đôi so với năm trước.

Các nước Hy Lạp và Hungary sẽ lần lượt loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2028 và 2030, nâng tổng số quốc gia EU “nói không” với điện than vào năm 2030 lên 20 nước. Năm 2019 cũng chứng kiến việc thành lập Uỷ ban Than của Czech với nhiệm vụ đưa ra thời điểm loại bỏ nhiệt điện than.

Dave Jones, chuyên gia phân tích về điện tại Sandbag nhận định: “Châu Âu đang dẫn đầu thế giới trong việc nhanh chóng thay thế điện than bằng điện gió và điện mặt trời và kết quả là phát thải CO2 trong lĩnh vực điện đã giảm nhanh chóng. 30% trong tổng phát thải từ nhiên liệu hoá thạch toàn cầu đến từ điện than cho nên cần tập trung ngay vào việc chuyển dịch khỏi nhiệt điện than ở tất cả các nước”.

Mỹ: Năng lượng tái tạo sẽ vượt khí tự nhiên vào năm 2040

Theo Ars Technica, lần đầu tiên Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ dự đoán khả năng năng lượng tái tạo sẽ chiếm vị trí dẫn đầu các nguồn năng lượng ở Mỹ, trở thành nguồn phát điện lớn nhất, vượt qua khí tự nhiên vào khoảng năm 2040.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ đánh giá các xu hướng mới nổi và đưa ra dự báo về sự phát triển của cán cân năng lượng Mỹ. Báo cáo hiện tại, được hình thành vào cuối năm 2019, khi lần đầu tiên năng lượng tái tạo được trao vai trò chính trong cung cấp điện ở Mỹ.

Trang trại gió ngoài khơi đầu tiên của Mỹ

Các chuyên gia cơ quan này tin rằng trong 20 năm nữa, đến năm 2040, năng lượng tái tạo sẽ vượt qua các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Dự kiến trong những năm tới, các khoản trợ cấp cho năng lượng mới ở Mỹ sẽ bị vô hiệu hóa và chưa có các cuộc thảo luận về các chương trình khuyến khích mới có thể.

Báo cáo cho thấy vào năm 2025, chi phí sản xuất điện từ 2 nguồn tái tạo phổ biến nhất - các tấm năng lượng mặt trời và các trang trại gió trên mặt đất sẽ bằng với giá của một kilowatt được tạo ra tại một nhà máy nhiệt điện.

Vào cuối năm 2018, các chuyên gia của Deloitte đã cho rằng năng lượng tái tạo có giá tương đương với điện truyền thống. Đồng thời, khí đốt sẽ đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, mà cả trong thương mại: đến năm 2050, 90% khí đốt sẽ được sản xuất từ đá phiến và nguồn cung sẽ luôn vượt cầu giúp Mỹ giữ vai trò là nhà xuất khẩu năng lượng ròng.

Một trong những hậu quả phát triển như vậy là tất cả các giải pháp năng lượng khác không còn hấp dẫn trong bối cảnh giá khí đốt và các nguồn năng lượng tái sinh giảm. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy điện hạt nhân sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030 nhưng những nhà máy còn lại sẽ hoạt động đến năm 2050.

Các chuyên gia cũng dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không thể giảm được lượng khí thải CO2 trong toàn bộ thời gian cho đến tận năm 2050. Lượng khí thải CO2 sẽ duy trì ở mức hiện tại - khoảng 5 gigatons mỗi năm. Cách duy nhất để giảm lượng khí thải CO2 là làm chậm tăng trưởng kinh tế. Theo một kịch bản với mức tăng trưởng GDP thấp, lượng khí thải giảm được một gigaton.

PV