Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 7/2019

Thứ hai, 9/12/2019 | 09:06 GMT+7
Trong tuần qua, lần đầu tiên Tuần lễ Lưới điện thông minh Việt Nam 2019 đã được tổ chức nhằm tìm các giải pháp nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện, thúc đẩy hiệu quả năng lượng cũng như giới thiệu những ứng dụng công nghệ hiện đại cho hệ thống điện trong tương lai.

Tuần lễ Lưới điện thông minh Việt Nam 2019

Từ ngày 2 – 5/12, Tuần lễ Lưới điện thông minh Việt Nam 2019 diễn ra tại Hà Nội với một chuỗi các hội nghị và hội thảo chuyên đề dành cho các ban, ngành liên quan, tổ chức chuyên môn, các chuyên gia và đối tác trong nước và quốc tế.

Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ đồng tổ chức Tuần lễ. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE) được phối hợp thực hiện bởi Cục Điều tiết điện lực/Bộ Công Thương và GIZ đại diện cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ).

Tuần lễ thảo luận về xu hướng, tầm nhìn và các giải pháp cho một tương lai năng lượng bền vững ở Việt Nam, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về giải pháp năng lượng thông minh nhằm nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện, thúc đẩy hiệu quả năng lượng cũng như giới thiệu những giải pháp, ứng dụng công nghệ hiện đại cho hệ thống điện trong tương lai.

Họp báo trong khuôn khổ Tuần lễ Lưới điện thông minh Việt Nam 2019

Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: "Ngành điện Việt Nam đã có những bước phát triển và tăng trưởng cao trong một thời gian dài, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tể - xã hội của đất nước.

Phát triển lưới điện thông minh là một định hướng đúng đắn của Việt Nam và thực tế qua gần 7 năm thực hiện, với việc từng bước áp dụng công nghệ hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, tối ưu hoá trong vận hành hệ thống điện và nâng cao năng suất lao động của ngành điện. Đồng thời, hiện nay, với xu thế chung về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh là một trong những giải pháp hữu hiệu để tích hợp, vận hành ổn định, tối ưu các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; góp phần khuyến khích phát triển, tăng tỷ trọng và khai thác có hiệu quả nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững".

Ông Sebastian Paust, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Trong năm nay, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu sản xuất điện. Tuy nhiên, để đạt tới tỷ trọng cao hơn nữa, nhiều giải pháp cần được thực hiện, đặc biệt là cần hỗ trợ nguồn điện mặt trời và điện gió hòa lưới. Tại Đức, gần một nửa sản lượng điện bắt nguồn từ năng lượng tái tạo (chiếm 47% trong 6 tháng đầu năm 2019), hầu hết là từ năng lượng gió và mặt trời. Tại sự kiện này, chúng tôi mong muốn tạo cơ hội để trao đổi về các kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ nâng cao tỷ trọng của điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”.

Phát triển dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind

Tại Hà Nội, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Tập đoàn Enterprize Energy vừa tổ chức hội thảo “ThangLong Wind – Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam”.

Tại hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nhấn mạnh, Vương quốc Anh hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển điện gió trên thế giới. Chi phí phát triển điện gió ngoài khơi mới đã giảm 50% kể từ năm 2015 và hiện tại đây là một trong những lựa chọn có chi phí thấp nhất cho ngành năng lượng mới ở Anh, rẻ hơn so với năng lượng hạt nhân và khí đốt.

Cũng theo Đại sứ Anh, Việt Nam là quốc gia có tài nguyên gió ngoài khơi tương tự so với Vương quốc Anh. Chính vì vậy, Anh rất mong muốn hỗ trợ Việt Nam khai thác tài nguyên này để giúp đáp ứng các mục tiêu về năng lượng của đất nước. Hiện tại có hai dự án điện gió ngoài khơi có giá trị kinh tế lớn sẽ được phát triển tại Việt Nam, đó là dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long ở tỉnh Bình Thuận và điện gió ngoài khơi ở Sóc Trăng được phát triển bởi các nhà đầu tư từ Anh quốc.

Việt Nam có tài nguyên gió ngoài khơi lớn. (Ảnh minh họa)

Theo ông Ian Hatton, Chủ tịch tập đoàn Enterprize Energy, Việt Nam có tiềm năng gió cực lớn, với tổng công suất gió ước tính đạt khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tổng công suất điện gió của Việt Nam mới chỉ đạt 200MW chia cho 6 dự án. Trong khi đó, dự án ThangLong Wind vừa có giấy phép khảo sát chi tiết ngày 12/6/2019 là dự án năng lượng gió rất lớn với công suất là 3.400 MW, xứng tầm với tiềm năng gió của Việt Nam.

Theo các chuyên gia năng lượng, ThangLong Wind nếu thành công sẽ tối ưu hoá nguồn nội lực của Việt Nam (tỷ lệ nội địa hóa lên tới 50%), với kỳ vọng sử dụng từ 6 - 8,3 tỷ USD vốn đầu chi cho các nhà thầu tại Việt Nam trong quá trình khảo sát, thiết kế, gia công, chế tạo. Nó cũng sẽ tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 600 triệu USD cho các nhà thầu Việt Nam trong quá trình vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng.

Phát điện dự án điện gió Trung Nam giai đoạn 2

Tại tỉnh Ninh Thuận, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) mới đây đã tổ chức lễ phát điện dự án điện gió Trung Nam giai đoạn 2 với tổ máy đầu tiên có công suất 4 MW/trụ. Đây là loại tuabin trên đất liền có công suất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Tổ hợp năng lượng tái tạo Trung Nam (điện gió và điện mặt trời) tại xã Bắc Phong và xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) có tổng diện tích khoảng 900 ha, được đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, có tổng công suất hơn 151.95MW, thời gian khai thác bình quân 2.785 giờ/năm. Khi hoàn thành, dự kiến sản lượng điện đạt 423 triệu kWh/năm.

Dự án khởi công năm 2016, chia thành 3 giai đoạn. Đến thời điểm này, giai đoạn 1, gồm 17 trụ, với công suất 39.95 MW đã đi vào hoạt động, sản lượng điện đạt 110 triệu kWh/năm. Quy mô dự án giai đoạn 2 lắp 16 trụ, (công suất 4 MW/trụ), tổng công suất 64 MW; xây dựng các trạm biến áp nâng áp 0,4 - 1/22 kV kết nối với trạm biến áp dự án 22/110kV và đấu nối vào ngăn xuất tuyến 110 kV tại trạm 220 kV Tháp Chàm để hòa vào lưới điện quốc gia, sản lượng điện đạt 182 triệu kWh/năm.

Giai đoạn 3, nhà đầu tư sẽ lắp đặt 12 trụ, công suất 48MW, sản lượng điện đạt 134 triệu kWh/năm. Dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2020.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trung Nam chia sẻ, việc phát điện tổ máy đầu tiên với công suất 4 MW/trụ sẽ đẩy nhanh công tác thi công lắp đặt, đấu nối hiệu chỉnh các trụ gió còn lại của dự án điện gió Trung Nam giai đoạn 2, bảo đảm hoàn thành trong quý I/2020 theo đúng cam kết với UBND tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng thời, Trungnam Group hướng đến mục tiêu hòa lưới 1.000 MW trong 2 năm tới và sẽ đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Quảng Bình đồng ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát dự án điện gió của Vinaconex3

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình mới đây đã ban hành Công văn số 4432/VPUBND về chủ trương và địa điểm nghiên cứu, khảo sát dự án Nhà máy điện gió Kim Ngân của Công ty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex3).

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương cho phép Vinaconex3 lắp đặt 2 cột đo gió để tiến hành nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ quy hoạch dự án Nhà máy điện gió Kim Ngân với công suất 120MW trên địa bàn các xã Kim Thủy, Ngân Thủy thuộc huyện Lệ Thủy. Diện tích đất sử dụng dự kiến khoảng 400m2/cột đo gió; thời gian đo gió 15 tháng. Diện tích đất sử dụng có thời hạn của dự án khoảng 36 ha; diện tích khu vực khảo sát của dự án khoảng 1.348 ha; chi phí khảo sát do công ty tự chi trả theo như đề xuất của Sở Công Thương Quảng Bình.

Ảnh minh họa

Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu lắp đặt cột đo gió, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Vinaconex3 phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan để triển khai thủ tục theo đúng quy định, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến môi trường trong phạm vi cho phép.

Nếu hết thời gian khảo sát đo gió mà Vinaconex3 không đề xuất dự án (trước ngày 01/3/2021), UBND tỉnh giao nhà đầu tư khác thực hiện nghiên cứu, khảo sát. Sau hết thời gian đo gió, nếu Vinaconex3 không tiếp tục thực hiện dự án, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu công ty tự tháo dỡ thiết bị, hoàn trả mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình cũng giao Sở Công Thương Quảng Bình làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho Vinaconex3 thực hiện lắp cột đo gió, khảo sát, nghiên cứu thực địa, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch điện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo cho UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục liên quan về đầu tư (sau khi dự án được bổ sung quy hoạch); Sở Xây dựng hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình tạm đối với cột đo gió theo đúng quy định của pháp luật.

PV