Bản tin năng lượng số 8/2019

Thứ hai, 16/12/2019 | 09:06 GMT+7
Trong tuần qua: 3 dịch vụ điện được kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia, Nhà máy thủy điện Đakrông 4 hòa lưới điện quốc gia, dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 đã được ký hợp đồng EPC...

Ký hợp đồng EPC dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4

Tại Hà Nội, Ban quản lý dự án (QLDA) điện 2 và liên danh nhà thầu Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hoa Nguyên, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - CTCP mới đây đã tổ chức ký kết hợp đồng EPC về thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4.

Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 sẽ được xây dựng tại địa bàn xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum với công suất lắp máy là 49MWp. Dự kiến, nhà máy sẽ phát điện vào tháng 9/2020 và hoàn thành vào tháng 10/2020. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp bình quân 72,4 triệu kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển nguồn năng lượng sạch của đất nước.

Dự án sử dụng nguồn vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 20% và vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) là 80% tương ứng (24,2 triệu Euro), đủ 100% vốn để giải ngân cho gói thầu EPC này.

Trên cơ sở kế hoạch đấu thầu của dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 đã được EVN phê duyệt, Ban QLDA điện 2 đã tổ chức đấu thầu và xét thầu theo quy định hiện hành, đảm bảo công bằng, minh bạch trong công tác xét thầu. Kết quả xét thầu và xếp hạng nhà thầu đã được AFD thông qua và được EVN phê duyệt tại Quyết định số 1431/QĐ-EVN ngày 01/10/2019 với nhà thầu được xếp hạng thứ nhất là liên danh Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hoa Nguyên và Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp – CTCP.

Gói thầu EPC là gói thầu chính của dự án bao gồm: thi công xây lắp, cung cấp vật tư nhà máy, mở rộng sân phân phối 220kV và bảo trì nhà máy trong vòng 1 năm kể từ ngày ban hành chứng nhận hoàn thành. Nhà thầu có trách nhiệm đào tạo và chuyển giao công nghệ cho chủ đầu tư trong thời gian vận hành và bảo trì.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, AFD là một trong những cơ quan tài chính đầu tiên cam kết hỗ trợ EVN không cần bảo lãnh Chính phủ. EVN mong muốn AFD giải ngân kịp thời cho nhà thầu khi chủ đầu tư gửi hồ sơ thanh toán, đồng thời tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của AFD cho các dự án năng lượng khác.

Nhà máy thủy điện Đakrông 4 hòa lưới điện quốc gia

Tại tỉnh Quảng Trị, Công ty CP Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị vừa tổ chức lễ khánh thành dự án Nhà máy thủy điện Đakrông 4.

Dự án Thủy điện Đakrông 4 được Công ty CP Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị khởi công xây dựng từ tháng 1/2018, với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Dự án nằm trên địa phận 3 xã: Đakrông, Ba Nang, Tà Long (huyện Đakrông) gồm 2 tổ máy, tổng công suất 28 MW, điện lượng trung bình hàng năm trên 85 triệu kWh.

Nhà máy thủy điện Đakrông 4

Toàn bộ thiết bị điện, các hệ thống, thiết bị phụ trợ của nhà máy đều là những thiết bị hiện đại, chất lượng, tiêu chuẩn châu Âu. Công trình gồm các hạng mục chính: đập dâng nước được làm bằng bê tông vĩnh cửu và đập tràn tự do, chiều cao đập 28m, tổng chiều dài đập 283m. Đường hầm dẫn nước qua núi và đường ống áp lực dài 3,2 km, đường kính hầm 6,5m, đường ống áp lực bằng thép có đường kính rộng 6m. Đường điện đấu nối dài 8 km, nối từ trạm của nhà máy hòa với lưới điện quốc gia 110kV tuyến Khe Sanh - Tà Rụt.

Nhà máy thủy điện Đakrông 4 sẽ bổ sung nguồn năng lượng cho hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần điều hoà nguồn nước hạ lưu sông Đakrông, hạn chế lũ hạ du sông Thạch Hãn, dự kiến đóng góp cho ngân sách địa phương hơn 60 tỷ đồng/năm.

Quy chuẩn và tiêu chuẩn cho phát triển LNG Việt Nam

Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam vừa hợp tác với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tổ chức hội thảo “Quy chuẩn và tiêu chuẩn cho phát triển ngành công nghiệp LNG Việt Nam” tại TPHCM.

Tại hội thảo, Giám đốc điều hành từ các công ty năng lượng Hoa Kỳ như Cheniere Energy, Energy Capital Vietnam, Gen-X Energy, LNG Limited, NextDecade, S & P Global Platts và Tellurian đã cung cấp thông tin về các dự án điển hình, những ví dụ phát triển cơ sở hạ tầng LNG hiệu quả, tiết kiệm chi phí; cách thức triển khai, áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế trong ngành LNG để đảm bảo an toàn cho việc thiết kế, xây dựng, thực hiện các dự án này.

Hội thảo “Quy chuẩn và tiêu chuẩn cho phát triển ngành công nghiệp LNG Việt Nam”

Hội thảo cũng có các bài thuyết trình của Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ, bài giới thiệu các dự án của PV GAS, giới thiệu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, bài đề cập đến khía cạnh tài chính của các dự án LNG… Một phiên thảo luận được tổ chức ngay tại buổi gặp gỡ với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về “Thiết lập kế hoạch thu mua LNG: xu hướng mới nổi, cấu trúc hợp đồng và việc thực hiện chiến lược”…

Trong bài phát biểu mở đầu cuộc hội thảo, Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Timothy Liston đã cho biết: “Chương trình hội thảo tập trung vào tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin và các kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kinh doanh LNG, thực hiện các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận trong lĩnh vực năng lượng. Những tiêu chuẩn này có tác động tích cực đến cộng đồng, an toàn công nghiệp và bảo vệ môi trường”.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cũng giới thiệu về tiềm năng phát triển của PV GAS – đơn vị dẫn đầu ngành công nghiệp khí Việt Nam và khẳng định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)/PV GAS luôn chào đón tất cả các đối tác đầu tư phù hợp và có thiện chí hợp tác các bên cùng có lợi, vì sự phát triển bền vững của ngành năng lượng sạch. 

3 dịch vụ điện được kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia

3 dịch vụ điện được Văn phòng Chính phủ lựa chọn, cho phép kết nối, triển khai cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) ngay trong giai đoạn đầu.

Trong tổng số 8 dịch vụ công trực tuyến được công bố triển khai tại Cổng DVCQG, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 3 dịch vụ điện được Văn phòng Chính phủ lựa chọn, cho phép kết nối, triển khai cung cấp trên Cổng DVCQG ngay trong giai đoạn đầu là: cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp điện mới mới từ lưới điện hạ áp và thanh toán tiền điện.

3 dịch vụ điện được Văn phòng Chính phủ cho phép kết nối, cung cấp trên Cổng DVCQG nhân dịp khai trương đều là những dịch vụ điện thiết yếu đối với nhu cầu sinh hoạt, sản xuất – kinh doanh của các cá nhân, tổ chức. Với các dịch vụ điện này, khi thực hiện giao dịch qua Cổng DVCQG, hồ sơ, thủ tục của khách hàng sẽ được đơn giản hóa và thuận tiện. Một số giấy tờ như: giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân sẽ được thay thế bằng các thông tin người dùng đã được Cổng DVCQG xác thực và định danh. Qua đó, giúp người dân và khách hàng giảm thời gian thực hiện các giao dịch, đồng thời có thể giám sát quá trình thực hiện và đánh giá, phản ánh về các hoạt động cung cấp dịch vụ của ngành điện.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 và Diễn đàn Các bên liên quan lần thứ nhất của VEPG

Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 và Diễn đàn Các bên liên quan lần thứ nhất của VEPG Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) đã diễn ra tại Hà Nội.

Năm 2018, Hội nghị cao cấp Đối tác năng lượng Việt Nam – VEPG thông qua 40 khuyến nghị chính sách cho lĩnh vực năng lượng Việt Nam. Một số trong các khuyến nghị đã dần trở thành các quyết định chính sách. Trong vòng 1 năm qua, các Nhóm Công tác Kỹ thuật đã cùng chung sức, phối hợp triển khai thúc đẩy các chính sách năng lượng quan trọng với sự điều hành sát sao của Ban chỉ đạo và sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả từ Ban thư ký VEPG. Chính vì vậy, điểm nhấn của Hội nghị Cấp cao năm nay là việc giới thiệu bản Báo cáo Tiến độ năm 2019. Cụ thể, Bản báo cáo phân tích tiến trình thực hiện 40 khuyến nghị chính sách của các Nhóm Công tác Kỹ thuật VEPG (TWG).

Những khuyến nghị này được trình bày và nhận được sự đồng thuận bởi Chủ tịch và đồng Chủ tịch của VEPG tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 năm 2018; trong đó hướng đến quá trình xây dựng và phát triển của các chính sách trọng tâm, hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong 5 lĩnh vực ưu tiên chính: năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, cải cách ngành năng lượng, tiếp cận năng lượng, dữ liệu và thống kê năng lượng.

Bản báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam và các nhóm công tác kỹ thuật trong việc tạo ra cơ chế hợp tác hiệu quả và nền tảng đối thoại có giá trị; đưa chính phủ, các đối tác phát triển cùng bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng đến gần nhau hơn để cùng nhau hoạch định, đưa ra khuyến nghị đối với những chính sách hiện hành mang tính chiến lược trong lĩnh vực này.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An mong muốn Hội nghị cấp cao lần này sẽ đưa ra các khuyến nghị chính sách hiệu quả cho cơ quan liên quan của Việt Nam về phát triển ngành năng lượng. Trong đó, mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và nguồn năng lượng tái tạo; nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng điện của nền kinh tế. Song song với đó, cần tạo điều kiện để các đối tượng trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý, đặc biệt cần quan tâm thích đáng đến nhóm đối tượng xã hội bị tổn thương, đến người thu nhập thấp và đối tượng chính sách.

Theo Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti, Liên minh châu Âu giữ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng với giá phải chăng cho tất cả mọi người và bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

PV