Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 9/2019

Thứ hai, 23/12/2019 | 09:35 GMT+7
Bộ Công Thương yêu cầu tạm dừng đề xuất, thoả thuận các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT. Trong khi đó, ban chỉ đạo Quỹ Hạ tầng toàn cầu (GIF) vừa phê duyệt khoản tài trợ 1,5 triệu USD hỗ trợ Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình thí điểm đấu giá điện mặt trời.

GIF tài trợ 1,5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam thực hiện thí điểm đấu giá điện mặt trời

GIF mới đây đã phê duyệt khoản tài trợ 1,5 triệu USD hỗ trợ WB và Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình thí điểm đấu giá điện mặt trời.

GIF phối hợp cùng Ban Năng lượng của WB sẽ hỗ trợ chính phủ thiết kế và xây dựng chương trình đấu giá nhằm chuyển đổi từ cơ chế biểu giá điện hỗ trợ sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh phát triển điện mặt trời bền vững. Chương trình này góp phần giúp Việt Nam giải quyết bài toán năng lượng và thúc đẩy phát triển bao trùm bằng việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia.

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để thu hút ngày một nhiều hơn nguồn lực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng bởi nhu cầu trong lĩnh vực này rất lớn và cấp thiết. Sự hỗ trợ của GIF đến đúng thời điểm quan trọng giúp Việt Nam vượt qua những thách thức hiện tại để thúc đẩy hơn nữa phát triển điện mặt trời, bao gồm đầu tư tài chính và phân bổ rủi ro”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói.

Việt Nam đang chuẩn bị để đấu thầu thí điểm dự án điện mặt trời

“Đây sẽ là chương trình đấu giá năng lượng mặt trời đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, có tiềm năng nhân rộng ở quy mô lớn. Chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ Chính phủ Việt Nam huy động các nguồn tài chính tư nhân thông qua các cách tiếp cận tiêu chuẩn hóa, minh bạch và có hệ thống”, ông Jason Lu, Giám đốc GIF cho biết.

Tạm dừng đề xuất, thoả thuận các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT

Bộ Công Thương vừa có văn bản số 9608/BCT-ĐL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong đó, Bộ đề nghị xem xét tạm dừng việc đề xuất, thoả thuận các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT cho tới khi có hướng dẫn mới của cấp có thẩm quyền.

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, sau khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg năm 2017 về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời,135 dự án với tổng công suất 8.935 MW đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.

Tính đến hết tháng 6/2019, gần 4.500 MW điện mặt trời được đưa vào vận hành thương mại, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhất là khu vực phía Nam.

Việc phát triển “nóng” các dự án điện mặt trời thời gian qua đã gây ra tình trạng quá tải lưới điện. Từ giữa tháng 11/2019, Thường trực Chính phủ đã họp bàn và ngày 22/11, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 402 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam áp dụng từ ngày 1/7/2019, trong đó thống nhất biểu giá khuyến khích cố định (FIT) chỉ áp dụng với một số trường hợp.

Thông báo chỉ rõ ngoại trừ những dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công đưa vào vận hành trong năm 2020, các dự án còn lại và dự án mới sau này sẽ chuyển hẳn sang hình thức đấu thầu công khai, cạnh tranh để giảm giá mua điện.

Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo cơ chế mới, thay thế Quyết định số 11 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6.

TPHCM phát triển điện mặt trời áp mái - năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp

Tại hội thảo “phát triển điện mặt trời áp mái - năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp TPHCM giai đoạn 2019 – 2024” diễn ra mới đây, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng chia sẻ, mang đến bức tranh toàn cảnh vấn đề sử dụng năng lượng cũng như sự cần thiết phải phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp.

Đồng thời, sự kiện cũng đề cập đến những giải pháp kỹ thuật, giải pháp tài chính, lợi ích kinh tế, lợi ích phi kinh tế cho doanh nghiệp khi lựa chọn điện mặt trời, năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Đây được xem là sứ mệnh của mỗi thành viên trong khu chế xuất/khu công nghiệp/khu công nghệ cao nhằm góp phần giảm thải CO2, bảo vệ môi trường xanh sạch, giúp giảm tải điện lưới quốc gia.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay các khu công nghiệp có lợi thế về diện tích áp mái lớn nên nếu đầu tư điện mặt trời, doanh nghiệp sẽ được hưởng lãi kép. Ngoài việc được sử dụng điện miễn phí, khi dôi dư, doanh nghiệp có thể bán cho ngành điện. Về vốn đầu tư, doanh nghiệp có thể thông qua các công ty hỗ trợ vốn, ngân hàng mà ngành điện hỗ trợ kết nối.

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM (HBA) cho biết, sự kiện này cũng là bước khởi động cho kế hoạch hành động của Chương trình Phát triển điện mặt trời áp mái - năng lượng tái tạo do HBA và Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC (SPC) khởi xướng. Chương trình nhằm hỗ trợ toàn diện, hiệu quả cho đông đảo doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM nghiên cứu và tận dụng nguồn năng lượng sạch.

Ảnh minh họa

Theo đó chương trình đặt mục tiêu phát triển được 1.000MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái trong giai đoạn từ 2019 - 2024. Từ đó, chương trình kỳ vọng giúp các khu chế xuất, khu công nghiệp giảm được khoảng 10 - 15% sản lượng điện tiêu thụ định kỳ; góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia và đảm bảo an ninh năng lượng của TP.

Để thực hiện, Ban chủ nhiệm Chương trình cùng SPC tăng cường hợp tác cùng các đối tác uy tín, thỏa thuận cùng tổ chức tài chính, trau dồi chuyên môn cho đội ngũ kỹ thuật nhằm tối ưu hóa giá trị gia tăng cho khách hàng.

Đan Mạch sẽ làm đảo năng lượng nhân tạo

Chính phủ Đan Mạch đang thúc đẩy thực hiện một dự án xây dựng đảo năng lượng nhân tạo.

Chính phủ Đan Mạch có kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo với công viên điện gió khổng lồ trên biển. Theo đó, dự án có tổng giá trị đầu tư từ 200 đến 300 tỷ Kron Đan Mạch (khoảng 27 đến 40 tỷ Euro); sẽ đi vào hoạt động trước năm 2030.

“Hòn đảo này sẽ giúp tạo ra một lượng điện tái tạo rất lớn, có thể tích lại dưới dạng năng lượng”, Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch Dan Jørgensen chia sẻ bên lề Hội nghị khí hậu thế giới diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha).

Theo bộ trưởng Jørgensen, trên hòn đảo nhân tạo ngoài biển khơi người ta sẽ xây dựng trang trại điện gió với công suất cao nhất là 10 GW. Chính phủ Đan Mạch tính toán, sản lượng điện ở đây đủ để đáp ứng nhu cầu về năng lượng điện của 10 triệu hộ dân, nhiều hơn số dân nước này. Một đường cáp ngầm sẽ được lắp để dẫn điện – và tại đây với công nghệ mang tên “Power-to-X” năng lượng điện trở thành nguồn năng lượng có thể lưu trữ được như khí hydro, nhiên liệu tổng hợp hoặc khí đốt.

Được biết việc chọn địa điểm và tiến hành các thủ tục cấp phép sẽ hoàn thành trước năm 2021 và sau đó sẽ triển khai xây dựng.

Hiện tại Đan Mạch là một cường quốc về điện gió trên biển. Hiện tại Tập đoàn năng lượng Ørsted của nước này có công viên gió trên biển lớn nhất thế giới, trong khi đó Vestas đứng đầu thị trường thế giới về chế tạo tuabine.

PV