Văn hóa, du lịch

Bảo tồn nghề làm chiếu cói Bàn Thạch

Thứ tư, 5/8/2020 | 16:40 GMT+7
Nguồn nguyên liệu ngày càng thu hẹp, thu nhập thấp từ nghề làm chiếu truyền thống khiến làng nghề chiếu cói Bàn Thạch (Duy Vinh, Quảng Nam) đứng trước nguy cơ mai một.

Làng chiếu Bàn Thạch có tuổi đời trên 300 năm, với 1.356 người dân sinh sống. Vào thời “hoàng kim” của chiếu cói, làng có tới hơn 700 người dệt chiếu và làm nghề liên quan tới dệt chiếu. Trước kia, chiếu Bàn Thạch đã xuất hiện tại các nước Đông Âu và Liên Xô và cho đến nay là hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới. Tại những lễ hội lớn như Festival Huế, Ấn tượng Mỹ Sơn hay bội Bà Thu Bồn được tổ chức hàng năm cũng có mặt của chiếu Bàn Thạch ở các gian hàng trưng bày.

Thời gian để hoàn thành một chiếc chiếu là khoảng 3 giờ đồng hồ, mỗi người thợ có thể dệt 2 - 3 chiếc/ngày. Đây là nghề truyền thống cha truyền con nối, truyền từ đời này sang đời khác nên chỉ có thể giữ nghề bằng “lửa” nhiệt huyết, lòng yêu nghề của mỗi người dân nơi đây.

Những bãi đay, cói xanh tốt nằm dọc hai bên bờ con sông Thu Bồn là nguồn nguyên liệu chính của làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch. Người đàn ông chịu trách nhiệm về thu hoạch đay, lác, cói, sau đó phơi phóng và tước sợi để làm nguyên liệu; người phụ nữ lo việc nhuộm màu, dệt chiếu. Sợi đay đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ Bàn Thạch đã trở thành những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi… rực rỡ, mịn màng và bền chắc.

Công đoạn phơi và nhuộm cói cầu kỳ

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, chiếu cói không còn được ưa chuộng như trước đây, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá thành thấp nên số lượng nghệ nhân dệt chiếu cũng ít đi hẳn.

Trước đây, những hộ làm chiếu có thể thu được trên 400.000 đồng mỗi ngày từ việc bán chiếu. Nhưng hiện giá bán chiếu thấp, khó tiêu thụ, một đôi chiếu chỉ khoảng 120.000 đồng/đôi, tính ra chỉ lãi 50.000 - 60.000 đồng.

Chị Trần Thị Bé (tổ 11, Bàn Thạch) thuộc gia đình nhiều thế hệ làm chiếu chia sẻ: “Nghề cổ chỉ mang tiếng vậy thôi chứ giờ cả làng còn mấy người làm nữa. Họ đã chuyển đổi nghề nghiệp rồi, bám theo nghề chiếu này khó khăn thực sự. Chưa kể, để có một chiếc chiếu hoàn chỉnh là cả một quá trình. Từ khâu cắt cói đem phơi, nhuộm màu, tuyển chọn kích thước chiếu để cắt kích cỡ, rồi dệt, bắt mép… đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu của người thợ”.

Việc bán chiếu được dệt thủ công hiện không thể nuôi sống người dân, nhiều người đã quyết định chuyển sang làm công việc khác. Tính đến thời điểm này, địa phương chỉ còn khoảng 45 hộ dân tham gia sản xuất chiếu cói, giảm 60% so với 2 năm trước đây.

Số hộ dệt chiếu thủ công đã giảm mạnh, chỉ còn lại một số hộ làm thêm để giữ nghề

Ông Võ Đức Lắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Vinh cũng nhận định, nghề dệt chiếu cói đem lại nguồn thu nhập thấp, lại tốn nhiều thời gian trong khâu sản xuất. Ông nói: “Sắp tới UBND xã Duy Vinh cùng các ngành liên quan của huyện sẽ tập trung định hướng và hỗ trợ tối đa để các cơ sở dệt chiếu cói sản xuất thêm sản phẩm túi xách, mũ, thảm cói, chiếu gấp… phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, xã cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lữ hành tổ chức những tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề dệt chiếu để quảng bá sản phẩm”.

Tại làng nghề chiếu Bàn Thạch, chính quyền địa phương cũng đang xây dựng phương án hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; đưa người dân làng nghề vào phục vụ du lịch với mong muốn bảo tồn và phát huy một nét đẹp của dân tộc.

Gia Linh (T/H)