Sản phẩm, công nghệ

Bảo trì theo phương pháp CBM: Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vận hành lưới điện

Thứ năm, 22/10/2020 | 15:25 GMT+7
Bảo trì theo điều kiện hay bảo trì dựa trên tình trạng thiết bị (Condition-Based Maintenance - CBM) là một giải pháp bảo trì tiên tiến theo thời gian thực nhằm giải quyết vấn đề làm sao để lập kế hoạch và theo dõi tốt hơn các quy trình bảo trì tại các thiết bị quan trọng.

Với phương pháp bảo trì CBM, các chiến lược bảo trì được đề xuất thực hiện dựa trên việc phân tích tình trạng thiết bị thông qua nhật ký vận hành, dữ liệu trong quá trình sử dụng, dữ liệu tình trạng thiết bị thu thập qua quá trình thí nghiệm định kỳ…

Trên thế giới hiện nay, việc áp dụng mô hình bảo trì theo CBM được nhân rộng và đánh giá được nhiều ưu điểm hơn các phương pháp bảo trì truyền thống theo thời gian cố định, theo mô hình vận hành hỏng thay thế. Để áp dụng thực hiện các công tác bảo trì theo CBM cần phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá định lượng cho các chủng loại thiết bị như (máy cắt, máy biến áp 110kV, tủ hợp bộ trung thế 22kV, máy biến áp 22/0,4kV) từ đó nhân viên quản lý vận hành theo dõi, đánh giá, định lượng bằng số điểm để đánh giá được tình trạng sức khỏe của thiết bị đang vận hành; qua đó đề xuất phương án sửa chữa, bảo trì hợp lý, hạn chế những thiệt hại gây ra do hư hỏng thiết bị.

Mục tiêu cốt lõi của bảo trì theo điều kiện là phát hiện, ghi nhận được những dữ liệu điều kiện thực tế của thiết bị để làm tiền đề cho việc phân tích và ra các chiến lược bảo trì chủ động trước khi có sự cố xảy ra gây hư hỏng thiết bị.

Việc triển khai CBM đòi hỏi phải xây dựng hệ thống ghi nhận và xử lý thông tin, thu thập các giá trị vận hành trong quá khứ, chuẩn hóa giá trị định lượng cho từng chủng loại, trang bị đầy đủ các thiết bị theo dõi online, thiết bị đo, thiết bị giám sát không cần cắt điện.

Bảo trì theo điều kiện CBM sẽ mang lại rất nhiều ưu điểm như: giảm tình trạng hư hỏng thiết bị, giảm chi phí sửa chữa và chi phí nhân công, giảm chỉ số SAIDI; tăng hiệu quả cho việc thực hiện sản xuất kinh doanh được giao; giúp rà soát toàn bộ hệ thống và tất cả các tài sản, thiết bị; thay việc bảo trì định kỳ cứng nhắc bằng việc bảo trì linh hoạt, chủ động hơn.

Công nhân Điện lực Liên Chiểu, PC Đà Nẵng tiến hành vệ sinh bảo dưỡng lưới điện

Trong khi đó, việc thực hiện công tác thí nghiệm theo định kỳ (TBM) ở thời gian nhất định (1 năm, 3 năm…) và theo yêu cầu của nhà sản xuất chỉ dựa trên các định mức trung bình hoặc tối ưu nhất trong sản xuất mà không căn cứ vào tình trạng thực tế sử dụng của thiết bị đó (tình trạng vận hành – quá tải, non tải, điện áp, dòng điện, tuổi thọ vận hành…) khiến cho công việc bảo trì không đánh giá và xử lý được tình trạng làm việc của thiết bị đó.

So sánh 2 phương pháp CBM và TBM thì CBM giúp tăng khoảng thời gian giữa các lần bảo trì sửa chữa một cách khoa học, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí bảo trì bảo dưỡng mà vẫn đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện của thiết bị bởi vì công việc bảo trì chỉ được thực hiện trên cơ sở đánh giá các tiêu chí kỹ thuật có định lượng và các yêu cầu cần thiết khác. Với CBM, việc bảo trì chỉ tiến hành khi cần thiết nhằm không để xảy ra trường hợp suy giảm khả năng vận hành hoặc sự cố, loại bỏ phương án bảo trì định kỳ tốn kém và giảm đáng kể xác suất hư hỏng thiết bị.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (DNPC) đang thực hiện bảo trì theo thời gian (Time Based Maintenance – TBM). Các thiết bị sẽ được kiểm tra, thí nghiệm theo định kỳ thời gian nhất định, từ kết quả thí nghiệm và kiểm tra định kỳ sẽ đề xuất thực hiện bảo trì, bảo dưỡng để khôi phục tình trạng vận hành bình thường của thiết bị.

Bên cạnh đó, PC Đà Nẵng cũng đã áp dụng một số kỹ thuật giám sát trong quá trình vận hành như kiểm tra PD, chụp ảnh nhiệt, giám sát online… theo dõi thông số vận hành, đặc tính phụ tải, thông số thí nghiệm, theo dõi lý lịch thiết bị. Đây là các thông tin góp phần đánh giá chất lượng thiết bị, đưa ra phương án bảo trì, sửa chữa kịp thời nhằm hạn chế được những sự cố do hư hỏng gây ra. Việc này được thực hiện thường xuyên trong thời gian qua đối với các thiết bị tại TBA 110kV, các máy biến áp phụ tải, đường dây… để theo dõi, phát hiện các bất thường của thiết bị và lập kế hoạch phương án cắt điện để thực hiện bảo trì, sửa chữa. Đây bản chất là mô hình CBM. 

Để áp dụng mô hình CBM vào thực tế hiện tại, công ty cần phải xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá đối với từng thiết bị, từ đó áp dụng chung cho toàn đơn vị sẽ mang lại nhiều hiệu quả như đã phân tích. Việc áp dụng bảo trì theo CBM sẽ giúp hợp lý hóa công tác sửa chữa bảo dưỡng cả về mặt kỹ thuật và kinh tế, đặc biệt góp phần ngăn ngừa được các sự cố để đảm bảo vận hành an toàn, từ đó nâng cao uy tín của đơn vị và hướng đến sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục với độ tin cậy cao nhất.

Theo cpc.vn