Biến đổi khí hậu gây thiệt hại tới 2.400 tỷ đô la Mỹ

Thứ năm, 11/7/2019 | 08:50 GMT+7
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), đến cuối thế kỷ này nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5°C. Vì thế, đến năm 2030, do nhiệt độ cao hơn, tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới sẽ giảm 2,2%, tương đương với 80 triệu việc làm toàn thời gian. Mức suy giảm này tương đương với thiệt hại kinh tế toàn cầu ở mức 2.400 tỷ đô la Mỹ.

Catherine Saget - Trưởng phòng nghiên cứu của ILO cho biết: “Tác động của căng thẳng nhiệt đến hiệu suất làm việc là hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể sẽ nhận thấy rõ sự bất bình đẳng nhiều hơn giữa các nước có thu nhập thấp và cao, khiến điều kiện làm việc của những người dễ bị tổn thương nhất bị xấu đi.

Ngành được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu là lĩnh vực nông nghiệp, trong khi 940 triệu người trên thế giới làm việc trong lĩnh vực này. Dự báo đến năm 2030, lĩnh vực này chiếm tới 60% số lượng giảm giờ làm toàn cầu do stress nhiệt.

Ngành xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chiếm 19% thời giờ làm việc toàn cầu, ước tính sẽ sụt giảm vào cùng thời điểm nói trên. Các ngành có nguy cơ cao khác là hàng hóa và dịch vụ môi trường, thu gom phế liệu, cấp cứu, sửa chữa, vận tải, du lịch, thể thao và một số hình thức việc làm trong lĩnh vực công nghiệp có sử dụng máy móc hạng nặng.

Lao động trong ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh, tác động của hiện tượng này xảy ra không đồng đều trên toàn thế giới. Khu vực sẽ chứng kiến mức độ suy giảm thời giờ làm việc nhiều nhất được dự báo là Nam Á và Tây Phi, với ước tính đến năm 2030, thời giờ làm việc ở đây sẽ giảm 5%, tương ứng với mức thiệt hại là 43 triệu việc làm ở Nam Á và 9 triệu việc làm ở Tây Phi.

Các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do họ có ít nguồn lực hơn để đáp ứng hiệu quả với hiện tượng nền nhiệt gia tăng. Do đó, những thiệt hại về kinh tế do gánh nặng nhiệt gây ra sẽ khiến cho những bất lợi về kinh tế hiện hữu nặng nề hơn, đặc biệt là tỷ lệ người có việc làm vẫn nghèo, việc làm phi chính thức và dễ bị tổn thương, nông nghiệp tự cung tự cấp cao hơn và thiếu bảo trợ xã hội.

Để thích ứng với thực tế mới này, ILO kêu gọi các biện pháp khẩn cấp từ các nước, chủ lao động và công nhân, tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Các biện pháp trên bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng đầy đủ và hệ thống cảnh báo sớm đối với tình trạng thời tiết nguy hiểm và cải thiện việc hoàn thành các tiêu chuẩn lao động quốc tế về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp nhằm giải quyết các mối nguy liên quan đến nhiệt.

Nam Yên (t/h)