Văn hóa, du lịch

Biểu tượng Khuê Văn Các trong Cộng đồng ASEAN

Thứ ba, 24/11/2015 | 15:56 GMT+7
9h ngày Chủ nhật 22.11.2015. Chúng tôi xem bản tin đặc biệt trên VTV1 của Truyền hình Việt Nam: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước Asean ký tuyên bố về thành lập cộng đồng Asean. Là những người dân được may mắn sinh sống tại Thủ đô Hà Nội nghìn năm Văn hiến. Chúng tôi đặc biệt xúc động và tự hào khi nhìn thấy biểu tượng Khuê Văn Các linh thiêng, lấp lánh cùng 9 biểu tượng Văn hóa đặc sắc trong Cộng đồng Asean.

Nước lễ nghĩa nghìn năm Văn hiến

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII ngày 21.12.2012, Khuê Văn Các tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã  được chọn làm biểu tượng của Thủ đô Thăng Long- Hà Nội nghìn năm Văn hiến.

Người sáng tạo Khuê Văn Các đã dâng cả Đất trời, con người Việt vào biểu tượng của Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến.

Theo các nhà nghiên cứu. Sự ra đời của Văn hiến Thăng Long có thể bắt đầu từ Chiếu dời đô. Từ ngày kinh đô Thăng Long ra đời (1010). Văn hiến Thăng Long không phải được hình thành từ con số không. Hàng ngàn năm lịch sử Bách Việt, đã chuẩn bị cho sự ra đời và phát triển của Văn hiến Thăng Long. Văn hiến Thăng Long là sự tiếp nối và nâng cao của những phẩm chất bất diệt của con người Việt. Đã được rèn đúc suốt bao nhiêu thế kỷ chiến đấu để tồn tại và phát triển. Không thể hiểu được Văn hiến Thăng Long, nếu như bỏ qua những giá trị vật chất và tinh thần mà Tổ Tiên Việt đã tạo dựng từ mấy ngàn năm trước, mà Trống đồng là minh chứng hùng hồn…
Việc dời đô của Lý Thái Tổ là tuyên bố vang dội bốn phương về chủ quyền bất khả xâm phạm của nước Việt. Về sức mạnh chiến thắng của dân tộc Việt trên con đường độc lập và phát triển.

Văn hiến Thăng Long - Hà Nội không phải là sản phẩm riêng của những con người sinh sống trên mảnh đất Thăng Long- Hà Nội. Nó là sự hội tụ, sự chắt lọc và nâng cao những tinh hoa, trí tuệ và tâm hồn của cả nước. Và từ đây lại lan toả mọi miền. Trở thành di sản Tinh thần và niềm tự hào chung của người Việt trong, ngoài nước. Ðặc điểm của nền Văn hiến Thăng Long từ cung cách tư duy, đến sinh hoạt hàng ngày. Từ sự bảo vệ một cách ngoan cường bản sắc dân tộc đến sự tiếp thu nhạy bén và sáng tạo những tinh hoa của nhân loại. Từ sự phát minh khoa học đến sự sáng tạo văn học nghệ thuật… độc đáo khí chất người Việt.

Khuê Văn Các nhìn ra cổng tam quan xưa.

Từ Văn Hiến vua nhà Minh tặng nước Đại Việt

Theo tác giả Mặc Giao (website Cộng đồng Việt Nam - Nam Florida):  “Văn Hiến là một từ của người Trung Hoa, không có từ tương đương trong tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp. Câu "Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang"  trong phần đầu bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, đã được Bùi Kỷ diễn nôm: "Như nước Việt ta từ trước vốn xưng văn hiến đã lâu". Đây là lần đầu tiên từ Văn Hiến được dùng trong sách vở Việt Nam. Chính vua nhà Minh đã tặng hai chữ Văn Hiến đó cho ta.

Giáo sư Phạm Cao Dương, căn cứ vào sách Dư Địa Chí được chuyển dịch cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, cho biết Lý Tử Tấn trong phần thông luận của cuốn sách này, đã nói tới việc vua Trần Dụ Tông (1341-1269) sai Doãn Thuấn Thần sang sứ nhà Minh… Vua nhà Minh tặng cho bốn chữ "Văn Hiến Chi Bang" và thăng địa vị cho sứ thần của Đại Việt lên trên sứ thần Triều Tiên ba cấp. Như vậy, từ Văn Hiến là của vua nhà Minh tặng, không phải dân ta tự khoe.

Đức Khổng Tử nói tới Văn Hiến đầu tiên nhưng không giải thích. Tự điển Từ Hải, một pho tự điển rất giá trị của Trung Hoa, có định nghiã Văn Hiến một cách rất sáng sủa: VĂN là kinh điển sách vở. HIẾN là người hiền tài nhưng phải có bằng chứng rõ ràng. Vậy Văn Hiến là trình độ văn hóa của một xã hội đã tiến tới chỗ có những tác phẩm thành văn (không phải truyền khẩu) và có những nhân vật lịch sử có thể kiểm chứng. Dựa vào lối giải thích này, học giả Đỗ Trọng Huề đã đưa một định nghiã mới như sau: “Văn Hiến là trình độ văn hóa của một dân tộc đã thoát khỏi bóng tối của thời tiền sử để bước vào ánh sáng của thời kỳ lịch sử”.

Khuê Văn Các biểu tượng Thiên - Địa - Nhân hợp nhất

Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia, Khuê Văn Các- Thiên quang tỉnh, nơi giao hoà của Đất, Trời, Người.

Khuê Văn Các (nghĩa là “gác vẻ đẹp của sao Khuê”) là một lầu vuông 8 mái. Gồm 4 mái thượng và 4 mái hạ, cao gần 9 thước. Do Tổng trấn Nguyễn Văn Thành triều Nguyễn cho xây dựng năm 1805. Gác dựng trên một nền vuông cao cân xứng có lát gạch Bát Tràng mỗi bề có chiều dài là 6,8 mét. Để bước lên được nền vuông này phài đi qua 3 bậc thang đá. Kiểu dáng kiến trúc Khuê Văn Các hài hòa và độc đáo. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn rất tinh tế và sắc sảo. Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao.

Cộng đồng Asean sớm hình thành.

Sàn gỗ có chừa 2 khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn có diềm gỗ chạm trổ tinh vi. Bốn góc sàn làm lan can con tiện cũng bằng gỗ. Bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng ba chữ 奎文閣 (Khuê văn các). Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng.

Cả bốn đôi câu đối này đều rất có ý nghĩa.

Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển - Bích thuỷ xuân thâm đạo mạch trường.
Hy triều phấn sức long văn trị - Kiệt các trân tàng tập đại quan
Thành lâm Bắc đẩu hồi nguyên khí - Nguyệt tế thu đàm chiếu cổ tâm.
Thánh hiền nhất thống đồ thư phủ - Văn hiến thiên thu lễ nghĩa bang.
Tạm dịch nghĩa như sau:

Sao Khuê Trời Sáng, Văn minh rộng - Sông Bích xuân sâu, mạch đạo dài.
Triều ta tô điểm nhiều Văn trị - Gác đẹp văn hay đón khách xem.
Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt- Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa.
Nước lễ nghĩa nghìn năm Văn Hiến- Phủ đồ thư một mối Thánh Hiền.
Gác Khuê Văn xưa là nơi họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội. Gác nhỏ, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt lại được chọn dựng giữa những cây cổ thụ xanh tốt, cạnh giếng Thiên Quang đầy nước trong in bóng gác. Trời, Đất, Người gặp gỡ nơi đây.

Theo Kinh Dịch những con số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) thuộc về Dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở và phát triển. Khuê Văn Các có 8 mái là bát quái. Có thêm 1 nóc ở trên là 9, số cửu trù, số cực Dương. Theo quan niệm của người xưa, giếng Thiên quang hình vuông tượng trưng cho mặt đất, cửa sổ hình tròn của gác Khuê Văn tượng trưng cho bầu Trời. Ý nói nơi đây là nơi tập trung Tinh hoa của Trời Đất.

Cửa Bi Văn kết thúc con đường lát gạch nhỏ chạy từ cửa Thành Đức bên trái. Bi Văn có nghĩa là vẻ đẹp Văn chương. Văn chương hào khí, sáng rõ, có sức truyền cảm, thuyết phục con người.

Cửa Súc Văn kết thúc con đường lát gạch nhỏ chạy từ cửa Đạt Tài bên phải. Súc Văn có nghĩa là Văn chương hàm súc, phong phú, tinh tế, nuôi dưỡng vẻ đẹp của Tâm hồn. Văn, Sử, Triết bất phân, tuôn trào mạch nguồn sức sống Tinh hoa Việt.

Hai cửa Bi Văn và Súc Văn cùng với gác Khuê Văn đồng thời mở đầu cho khu vực thứ hai. Khu vực giếng Thiên Quang và hai vườn bia Tiến sĩ. Đó là Kiến trúc Thiên- Địa- Nhân giao hòa.

Tư tưởng Triết học Thiên- Địa- Nhân hòa hợp, tỏa hào quang nơi Khuê Văn Các. Bởi lẽ đó, các sĩ tử xưa, nay luôn tìm đến Khuê Văn Các nhận Năng lượng Ánh Sáng Sao Khuê - Hồn thiêng Đất Việt.

Truyền tải không gian Asean hòa bình

Thiên- Địa- Nhân hợp nhất là Triết học của dân tộc Bách Việt và cả Đông Nam Châu Á, rộng ra là triết học phương Đông. Biểu tượng Khuê Văn Các trong Cộng đồng Asean truyền tải tình yêu hòa bình của hơn 90 triệu người dân Việt đến các dân tộc láng giềng và nhân dân toàn thế giới.

Biểu tượng Khuê Văn Các trong Cộng đồng Asean chở khát vọng của người Việt cùng nhau xây dựng:

“Cộng đồng văn hóa- Xã hội ASEAN nhằm gắn bó chặt chẽ các nước Đông Nam Á trong một cộng đồng gắn kết, phát triển đồng đều, hòa hợp, với các “xã hội quan tâm và chia sẻ”. Asean lấy con người làm trung tâm, tiến tới xây dựng một bản sắc chung, tăng mức sống và phúc lợi cho người dân”.

Mai Thục