Trong nước

Bốn cách giúp TP HCM trở thành trung tâm tài chính

Thứ tư, 20/11/2019 | 11:10 GMT+7
Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng trở thành một trung tâm tài chính quốc tế nếu có các cải cách cần thiết để bắt kịp xu thế chung.

Trong Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) năm 2019 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM cho biết thành phố mang tên Bác nằm trong danh sách các thành phố có tiềm năng phát triển mạnh về tài chính, và nhấn mạnh mục tiêu trở thành khu vực giao thương quốc tế của quốc gia.

Giới chuyên gia nhận định, TP HCM muốn là trung tâm tài chính quốc tế thì trước tiên phải trở thành một trung tâm tài chính trong phạm vi quốc gia.

Trong bài phân tích về năng lực phát triển tài chính của TP HCM, ông Donald Lambert, Chuyên gia cấp cao của ADB về phát triển khu vực tư nhân đã lấy Dubai là ví dụ điển hình cho các thành phố giàu tiềm năng. Với mức GDP lên tới 104 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao và nền kinh tế tăng gấp bốn lần vào năm 2018, ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ, Dubai nổi lên như một trung tâm tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, không phải thành phố nào cũng có những lợi thế về địa lý, về chính sách tài chính như Dubai, đơn cử như Việt Nam, riêng về cơ sở hạ tầng, nhu cầu cần được đầu tư hàng năm ước tính từ 18 đến 20 tỷ USD. Do đó, để có thể trở thành nơi giao thương hiệu quả, giúp tăng vốn đầu tư trong nước và quốc tế, thì TP HCM không những phải thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam mà còn phải phát triển các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để chuyển đổi từ một trung tâm tài chính quốc gia sang phạm vi quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình cải cách để trở thành trung tâm tài chính quốc tế. (Ảnh: ADB)

Để trở thành một trung tâm tài chính quốc gia thì cải cách chính sách là điều kiện thiết yếu, tiếp theo sẽ là yêu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống giáo dục và đào tạo. Trong bài viết của mình, ông Donald Lambert chỉ ra một số đặc điểm chung của các trung tâm tài chính toàn cầu hiện tại, đồng thời cũng phân tích những thiếu sót trong chính sách quản lý mà TP HCM đang gặp phải. 

Cụ thể, ông cho rằng khung pháp lý, cơ sở hạ tầng thị trường, chính sách tiền tệ và chế độ chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố là những yếu tố then chốt để một thành phố có thể trở thành trung tâm tài chính thế giới. Tuy nhiên, về khung pháp lý toàn diện, Việt Nam hiện vẫn còn những vướng mắc ở một số luật quan trọng như luật Chứng khoán, luật Tổ chức tín dụng và một số luật về quan hệ đối tác công tư nên các nhà đầu tư vẫn còn do dự trong quá trình đầu tư.

Về cơ sở hạ tầng thị trường vững chắc, Việt Nam cũng đang gặp khó khăn bởi hệ thống mạng lưới liên kết chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng không có thị trường ổn định, không có lãi suất ngắn hạn theo định mức thị trường nước ngoài, trong khi đây là nền tảng của nhiều thành phần trong thị trường vốn hiện nay.

Các nhà đầu tư luôn muốn có thể dự đoán được khả năng của dự án để đưa ra các quyết định về vốn. Do đó, Chính phủ cần đưa ra những chính sách tiền tệ phù hợp, không bị lệ thuộc vào nhà nước, bao gồm tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái, ổn định lãi suất liên ngân hàng và lạm phát.

Về chế độ chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố, Việt Nam đã làm rất tốt với cam kết thực hiện các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố. Đây là những yếu tố quan trọng để đảm bảo các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch an toàn tại thị trường trong nước.

Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam đang hướng dần cơ hội cho TP HCM. Việt Nam được dự đoán là một trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cho đến năm 2050. Nếu TP HCM chủ động phối hợp với chính quyền trung ương để thực hiện những cải cách quan trọng trên, thì thành phố này có nhiều khả năng bắt kịp mô hình tài chính thành công của Tokyo, Thượng Hải, Mumbai… 
 

Thanh Bảo