Nông nghiệp sạch

Cà rốt có thương hiệu, nông dân Bắc Ninh thu tiền tỷ

Thứ năm, 22/10/2020 | 14:34 GMT+7
Sản phẩm cà rốt mang thương hiệu Gia Bình đã được công nhận là sản phẩm OCOP, được xuất khẩu sang nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Bắc Ninh.

Thu tiền tỷ từ trồng cà rốt

Cây cà rốt được người dân các xã ven sông huyện Gia Bình trồng từ 2010. Đến nay, toàn huyện có khoảng 500ha canh tác cà rốt từ 2 - 3 vụ/năm. Những năm gần đây, do người dân có kinh nghiệm canh tác, được tập huấn kỹ thuật tiên tiến nên sản lượng cà rốt đạt cao, chất lượng củ cà rốt đồng đều, đẹp.

Năm 2018, tỉnh Bắc Ninh đã chọn cà rốt Gia Bình để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Tháng 6/2020, cà rốt Gia Bình đã chính thức được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây được xem như bệ phóng giúp thương hiệu vươn xa, và là động lực để người dân nơi đây thêm quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh thăm mô hình trồng cà rốt xuất khẩu của anh Nguyễn Văn Linh (xã Cao Đức, huyện Gia Bình)

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2020. Theo đó, phân hạng đối với 33 sản phẩm từ 3 sao trở lên của 15 chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm 2020 (bao gồm: 3 sản phẩm đạt 3 sao và 30 sản phẩm đạt 4 sao).

Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mỹ Linh (thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức) là 1 trong 6 HTX tiêu biểu trên địa bàn huyện Gia Bình được trao giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu cà rốt Gia Bình, và là một điển hình trong việc tạo nên vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thành công. Anh Nguyễn Văn Linh, Giám đốc HTX, là một trong những người đầu tiên ở Gia Bình ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng cà rốt, xuất bán sản phẩm cho Nhật Bản. Trung bình mỗi năm HTX của anh xuất bán sang Nhật từ 1.500 - 2.000 tấn cà rốt, doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Anh Linh cho biết, các thành viên trong HTX của anh sẽ giám sát, kiểm tra định kỳ quá trình canh tác; các hộ nông dân chỉ phải lo đảm bảo đúng các yêu cầu trong khâu chăm sóc và bón phân.

Theo đó, để quy trình chăm sóc cà rốt đảm bảo an toàn, các hộ dân được yêu cầu sử dụng nguồn phân vi sinh, phân hữu cơ; đối với nguồn nước tưới tiêu tự động được lấy từ sông Đuống, nằm cách xa khu chăn nuôi để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ngay trong năm đầu tiên ký kết hợp đồng, HTX đã xuất khẩu khoảng 23.000 tấn cà rốt đạt tiêu chuẩn sang Nhật Bản, đem lại thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/hộ/năm. Cá biệt có hộ dân với diện tích canh tác 8 - 9ha trồng cà rốt và rau củ quả đã đạt mức doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Đẩy mạnh xây dựng Chương trình OCOP

Cùng với cà rốt Gia Bình, nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh Bắc Ninh sau khi được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được biết đến rộng rãi, giúp nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm.

Sản phẩm được chứng nhận OCOP của Bắc Ninh

Ví dụ như sản phẩm gà Hồ đã tăng giá bán lên 3 - 4 lần sau khi được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm gốm Phù Lãng, đồng Ðại Bái, gỗ Ðồng Kỵ... giá bán đều tăng trung bình từ 10 - 15%. Sản phẩm được bảo hộ thương hiệu còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu, như các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể đồng Ðại Bái, gốm Phù Lãng bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, nay đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước châu Âu.

Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bắc Ninh đã tích cực phối hợp các đơn vị tư vấn làm việc với các chủ thể về việc chuẩn hóa sản phẩm và hoàn thiện hồ sơ dự thi, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các cấp ban, ngành cũng đã quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp, đồng thời tổ chức 8 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho chủ thể sản xuất và tổ chức hội nghị sơ kết Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2020.

Để đẩy mạnh Chương trình OCOP, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh đã khuyến khích, hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, tích cực thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 và chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. 

Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ để người dân, HTX, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP tiếp xúc với nhau, trao đổi và nắm bắt thêm thông tin để có kế hoạch sản xuất cho từng sản phẩm. 

Theo Danviet