Môi trường (old)

Các ngành chung tay giảm thiểu chất thải nhựa

Thứ năm, 15/8/2019 | 15:17 GMT+7
Bộ Y tế, ngành giáo dục đang có hàng loạt các hoạt động nhằm giảm thiểu chất thải nhựa.

Bộ trưởng Bộ Y tế mới đây đã ban hành Chỉ thị về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; hạn chế sử dụng các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy; phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong đơn vị...

Các cơ sở y tế phải sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa; tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị; tổ chức ký cam kết giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế về việc giảm thiểu chất thải nhựa.

Riêng đối với các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ Y tế, Thanh tra Bộ Y tế và các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế yêu cầu phải hạn chế, tiến tới không sử dụng túi, chai, cốc, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn và các hoạt động khác của cơ quan; thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

Rác thải nhựa hủy hoại môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. (Ảnh minh họa)

Khai giảng năm học mới sắp tới, nhiều trường học đã hưởng ứng phong trào nói không với rác thải nhựa trong việc dừng thả bóng bay, hạn chế bọc vở bằng ni lông.

Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh An Giang, Lâm Đồng, Sơn La, Thái Bình... đã có văn bản yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai phong trào chống rác thải nhựa; thực hiện tuyên truyền chống rác thải nhựa trong các cuộc họp, tuyên truyền giáo viên, học sinh và người thân nói không với rác thải nhựa.

Nhiều trường đại học cũng đã có hàng loạt các hoạt động chống rác thải nhựa như trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ đặt ra nguyên tắc: "Bước vào cổng, nói không với rác thải nhựa", khuyến khích học sinh và giáo viên nhà trường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhà trường không cấm mà vận động mọi người hưởng ứng "3 không" - không ly nhựa, không hộp xốp, không túi ni lông. 

Trường ĐH Mở TPHCM đã ra quyết định không sử dụng ước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa, các vật dụng như ly, dĩa, muỗng sử dụng một lần bằng nhựa trong tất cả các cuộc họp tại trường. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM đã nghiên cứu hàng loạt đề tài thiết thực như “Người dân sử dụng quá nhiều túi nhựa (túi ni lông) và thải ra gây ô nhiễm môi trường ở các chợ quận Bình Thạnh", "Chiến dịch tuyên truyền sử dụng túi môi trường tại chợ Thị Nghè", "Người dân Bình Thạnh sử dụng quá nhiều chai dầu ăn bằng nhựa và vứt bừa bãi", "Giảm thiểu rác thải nhựa trong các sinh hoạt hàng ngày”… để thể hiện được sức sáng tạo, góc nhìn đa chiều về thực trạng môi trường sống cũng như trách nhiệm vì cộng đồng của thế hệ trẻ…

 

Bảo An (t/h)