Công trình xanh

Cải thiện sử dụng năng lượng trong các tòa nhà ở Việt Nam

Thứ năm, 1/8/2019 | 09:00 GMT+7
Hàng năm, ngành Xây dựng sử dụng 30 - 40% tổng năng lượng quốc gia. Thực tế cho thấy, nếu tuân thủ các quy định của quy chuẩn, có thể tiết kiệm được 10 - 30% năng lượng sử dụng cho công trình so với các giải pháp thiết kế và xây dựng thông thường.

Phát biểu tại khóa tập huấn “Nâng cao năng lực thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình tiết kiệm năng lượng” được Bộ Xây dựng tổ chức mới đây tại Nha Trang, TS. Nguyễn Trung Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cố vấn Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB) cho biết: Hàng năm, ngành Xây dựng sử dụng 30 - 40% tổng năng lượng quốc gia. Do đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành Xây dựng có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ về kinh tế - xã hội mà có cả ý nghĩa về mặt môi trường, góp phần giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Với công trình xây dựng, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng sử dụng nhiều năng lượng, việc thiết kế và xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng (TKNL) được Bộ Xây dựng quan tâm từ nhiều năm qua. Từ năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Sau hai lần soát xét, sửa đổi, bổ sung, QCVN 09:2017/BXD đã phát huy hiệu quả trong thực tế thiết kế, thẩm định, cấp phép xây dựng, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng nói chung và công trình cao tầng nói riêng.

(Ảnh minh họa)

“Thực tế cho thấy, nếu tuân thủ các quy định của quy chuẩn, có thể tiết kiệm được 10 - 30% năng lượng sử dụng cho công trình so với các giải pháp thiết kế và xây dựng thông thường”, ông Hòa nhấn mạnh.

Để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của quy chuẩn, người thiết kế và xây dựng công trình phải đưa ra các giải pháp kiến trúc, vật liệu, thiết bị sử dụng năng lượng trong công trình một cách hiệu quả và hợp lý. Đây là lý do giải thích vì sao, bên cạnh các cán bộ quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tại địa phương, khóa tập huấn đặc biệt chú trọng mời các đối tượng học viên là các kỹ sư, kiến trúc sư hành nghề tư vấn lập dự án, thiết kế, thẩm tra, quản lý dự án, giám sát và nghiệm thu công trình tại các địa phương.

Dự án EECB do GEF/UNDP tài trợ cho Bộ Xây dựng. Một trong các nhiệm vụ của Dự án EECB là tăng cường năng lực người hành nghề hoạt động xây dựng thông qua tổ chức các khóa tập huấn, cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, cơ sở dữ liệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng, tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2017/BXD).

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Nguyễn Công Thịnh tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra việc tuân thủ QCVN 09:2017/BXD trong thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình. Luật Xây dựng sửa đổi đang được nghiên cứu soạn thảo cũng đã đưa nội dung khuyến khích phát triển công trình xanh, công trình TKNL, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường… vào dự thảo luật.

 

 

An Nhiên