Trong nước

Chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ dẫn đến những sai phạm

Thứ hai, 12/8/2019 | 11:00 GMT+7
Tính đến hết Quý II/2019 mới chỉ có 35/127 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công, chiếm 28% kế hoạch đề ra.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy cả nước còn gần 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) với số lượng lao động đạt hơn 2,5 triệu người. Tuy nhiên, đến năm 2018 số lượng cổ phần hóa chỉ được trên 50 đơn vị, chưa đạt 0,09% số đơn vị SNCL đang hoạt động.

Lũy kế đến hết Quý II/2019, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Các tồn tại, hạn chế làm chậm quá trình cổ phần hóa

Một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo, như UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND thành phố Hà Nội.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chỉ rõ tại cuộc họp báo Bộ Tài chính tổ chức với các báo diễn ra ngày 5 tháng 8 mới đây: “Quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa”.

Ông Đặng Quyết Tiến giải đáp những thắc mắc mà phóng viên đưa ra

Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Cụ thể, Tổng Công ty Thép thuộc Bộ Công Thương đã chuyển sang công ty cổ phần từ tháng 10/2011 nhưng đến giờ vẫn chưa quyết toán xong khiến các giá trị phục vụ nhà nước và doanh nghiệp đó biến động. Hay Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã cổ phần hóa xong nhưng cũng không quyết toán, sau quá trình đôn đốc và thanh tra của Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính thì đã phát hiện ra những sai phạm nghiêm trọng. Ba doanh nghiệp đã cổ phần hóa thành công năm 2018 của Tập đoàn Dầu khí cũng chưa quyết toán dẫn đến sự thiếu minh bạch trong kinh doanh. Theo ông Tiến, việc chậm quyết toán đã ảnh hưởng lớn đến nghĩa vụ ngân sách và thuế phải đóng của các cổ đông tại các công ty được tiến hành cổ phần hoá.

Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa

Việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, số danh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Con số đưa ra trong báo cáo cũng chỉ rõ, ngày 15/8/2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hoá chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đến hết Quý II/2019, theo rà soát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn còn đến 622 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 doanh nghiệp cổ phần hoá phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, đến nay còn 780 doanh nghiệp cổ phần hoá phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Lộ trình thực hiện

Theo người đứng đầu Cục Tài chính Doanh nghiệp, trong thời gian tới các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá theo đúng những quy định liên quan.

Cụ thể hơn, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật, và thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành. Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, đề nghị thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa; xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ theo quy định, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.

Bên cạnh đó, dự thảo một nghị định riêng biệt về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần đang được hoàn thành quy định rõ ràng, nhất quán đối tượng, điều kiện, hình thức ĐVSNCL chuyển đổi, việc xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL, đối tượng được mua cổ phần, quản lý sử dụng tiền thu từ chuyển đổi, các chính sách ưu đãi đối với ĐVSNCL và người lao động khi chuyển đổi cũng như quyền lợi và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chuyển đổi. 

Để giải quyết vấn đề thực thi cao và phân định rõ thẩm quyền, tại chính sách này, Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, của Hội đồng thành viên Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch DNNN có ĐVSNCL cần chuyển đổi.
 

Thanh Tâm