Trong nước

Chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ năm, 3/10/2019 | 15:24 GMT+7
Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội. Chủ đề của sự kiện là “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0”,

Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành khác; cùng Tập đoàn IEC, Hội Tự động hóa Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia. Cho đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc CMCN lần thứ 4 với nhiều tên gọi khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia - một trong những nội dung cốt lõi của cuộc CMCN lần thứ tư.

Diễn đàn cấp cao Industry 4.0 Summit 2019

Đối với nước ta, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN lần thứ 4 sẽ mang lại những kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Hiện, cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước, trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số. Công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2018, chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia so với năm 2016.

Tuy nhiên, theo ông Bình, mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình. Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia. Thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN lần thứ 4; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc CMCN lần thứ 4 trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển...

Với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0”, phiên diễn đàn cấp cao tập trung giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4” và các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về chiến lược quốc gia CMCN 4.0 của Việt Nam, về chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số.

Đỗ Hương