Quy hoạch, xây dựng

Chưa đủ cơ sở pháp lý xây dựng thành phố phía Đông TP HCM

Thứ tư, 29/4/2020 | 09:08 GMT+7
Bộ Xây dựng cho rằng đề xuất thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM chưa đủ cơ sở pháp lý

Bộ Xây dựng vừa có công văn phúc đáp UBND TP HCM liên quan đến đề xuất thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM. Theo Bộ Xây dựng, việc đề xuất sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập thành phố phía Đông TP HCM và áp dụng “không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp” là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM cũng không quy định các vấn đề có liên quan đến việc thành lập thành phố trực thuộc TP HCM.

Hơn nữa, TP HCM chưa hoàn thành xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TP HCM giai đoạn 2019-2021.

Bộ Xây dựng cho rằng TP HCM chưa đủ cơ sở pháp lý xây dựng thành phố phía Đông

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP HCM, chỉ đạo Sở Nội Vụ, Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan phối hợp xây dựng hoàn thiện việc lập Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã tại TP HCM theo quy định của Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã (trong đó có phương án sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập đơn vị hành chính cấp huyện là quận hoặc đơn vị hành chính tương đương).

Bộ Xây dựng cũng nhận định, theo 2 Công văn nói trên, UBND TP HCM đã có định hướng quy hoạch phát triển đô thị sáng tạo phía Đông thành phố nhưng chưa nêu rõ khu vực dự kiến hình thành đô thị đã có Quy hoạch chung đô thị, Chương trình phát triển đô thị được nghiên cứu, trình phê duyệt hay chưa.

Quy hoạch chung TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/01/2010 chưa có nội dung định hướng phát triển đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.

Do đó, căn cứ Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát quy hoạch và chủ trương về việc thành lập thành phố sáng tạo phía Đông thành phố, là cơ sở để lập Quy hoạch chung thành phố phía Đông, Chương trình phát triển đô thị thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM.

Bộ Xây dựng đồng thời đề nghị, việc đánh giá phân loại đô thị phải tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Đối với hồ sơ phân loại đô thị, thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 của Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13.

UBND TP HCM chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đô thị xây dựng Đề án công nhận loại đô thị tương ứng với hiện trạng theo quy định.

Tại Diễn đàn kinh tế TP HCM 2018 diễn ra vào cuối tháng 11/2018, lãnh đạo UBND TP HCM đã nêu ý tưởng xây dựng khu đông của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo. Đây sẽ là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Khu đô thị sáng tạo phía đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (quận 9), Đại học Quốc gia TP HCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Dự kiến, sau khi được thành lập, thành phố phía Đông của TP Hồ Chí Minh sẽ có quy mô hơn 1,1 triệu dân, được bố trí trên tổng diện tích tự nhiên hơn 211km2. Theo tiêu chuẩn quy định, quy mô dân số của TP phía đông sẽ đạt hơn 779,98% và diện tích tự nhiên cũng đạt hơn 141%.

Trước đó, theo ý tưởng đạt giải nhất cuộc thi tìm kiếm ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía đông TP, khu này sẽ có sáu chức năng.

Đó là việc xây dựng Thủ Thiêm trở thành trung tâm công nghệ - tài chính quốc tế; hình thành trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; phát triển trung tâm công nghệ cao Sài Gòn; hình thành trung tâm công nghệ giáo dục Đại học Quốc gia TP; hình thành trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa; xây dựng khu đô thị tương lai Trường Thọ (biến khu cảng hiện hữu thành một khu đô thị mới).

Tuấn Kiệt