Môi trường (old)

Chung tay cứu lấy Địa cầu

Thứ năm, 3/12/2015 | 15:03 GMT+7
Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP21) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) quy tụ đông đảo lãnh đạo các quốc gia trên thế giới không nằm ngoài mục tiêu chung tay cứu lấy Địa cầu.

Bảo vệ ngôi nhà chung 
Hàng nghìn người đã tham gia vào các cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu tại nhiều nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các cuộc tuần hành diễn ra tại Australia, Bangladesh, Nhật Bản, New Zealand và Phillippines cho thấy sự lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của biến đổi khí hậu đối với Trái Đất và sự sống của muôn loài.
Tại Philippines, khoảng 3.000 người đã tuần hành qua nhiều đường phố trong Thủ đô Manila, yêu cầu hạn chế các loại khí thải, nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, dẫn đến thảm họa thiên nhiên. Những người tham gia tuần hành hô vang khẩu hiệu: “Hãy bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta”
Người phát ngôn của Phong trào Phát triển nhân dân châu Á, Denise Fontanilla nói: “Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới thế giới, đặc biệt các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị COP21 tại Paris rằng sự sống là vô giá, không có gì có thể đánh đổi được”.

Lũ lịch sử 2010. Ảnh: Ngọc Thọ

Cứu lấy Địa cầu

Cơn lũ lụt nghiệt ngã đổ xuống miền Trung mùa Thu 2010 vẫn còn ám ảnh nhiều người trong đó có tôi khi chứng kiến cảnh Chiều không khói lam, làng trắng lặng.

Tăng ni, Phật tử chùa Yên Phú trong sự dẫn dắt của Thượng toạ Thích Thọ Lạc đã vượt núi băng sông, qua bão gió, mưa giông lên đường cứu trợ đồng bào vùng lũ huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Chiều muộn, chúng tôi đặt chân về các xã Nam Cường, Nam Phúc, Nam Trung, Nam Cát, nước vây bốn phía ba bề. Những luỹ tre xanh vẫn kiên cường ngả bóng ôm những mái nhà xiêu đổ dưới hoàng hôn. Những người đàn ông lợp lại mái nhà. Những người mẹ, người vợ dọn bùn xú uế. Trẻ con ngơ ngác không còn chỗ học. Vườn nhà đất nhão không còn một cây rau. Thóc lúa ngô khoai, lợn gà mèo chó, lũ cuốn đi tất cả… Bà con nói “Bốn mươi năm mới bị một cơn lũ lớn như vậy. Nước tràn qua đê. Không kịp chạy...”
Chắp tay thành kính trước tượng đài liệt sĩ của làng, những ngôi mộ hài cốt các anh bị ngâm nước nhiều ngày, nay thơm lại khói nhang, lòng tôi thêm quặn xót. Cảm giác đau đớn về một không gian trắng lặng sau giặc lũ, ùa tràn trong tôi:

Lặng trắng
Chiều không khói lam, làng trắng lặng
Luỹ tre xanh rũ bóng im lìm
Không màu cây, cánh đồng lặng trắng
Không gà kêu, chó sủa bên hè

Không sáo diều mục đồng ca hát
Không bóng lão nông dắt trâu về
Không tiếng mẹ già ru võng nôi
Quán chợ không lời chào mua bán

Lũ trắng, làng xanh thành trắng lạnh!
Xin Trời Đất ngừng cơn thịnh nộ
Chúng con lặng im cùng sám hối
Đã vô minh mắc tội với Địa Cầu

Tàn phá thiên nhiên, đập núi đồi
Ngăn sông suối, không còn phong thuỷ
Chặt cây rừng, nước lũ tràn qua
Xây dựng, lấp đại ngàn trùng điệp

Đào núi đổi mạng sống lầy vàng!

Tội lỗi này xin cùng sám hối
Gieo lại mầm cây giữ đất rừng
Giữ đồng làng trồng lúa ngô khoai

Nâng niu sông núi như nâng trứng
Hứng lấy Thiện căn như hứng hoa
Nguyện đáp đền công ơn Trời Đất
Nơi duy nhất loài người nương thân.
  

Mai Thục