Doanh nhân - Thị trường

Công trình sử dụng năng lượng hiệu quả: Cần tuân thủ theo quy định kỹ thuật

Thứ năm, 3/8/2017 | 08:58 GMT+7
Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng ượng hiệu quả. Khi Thông tư này có hiệu lực sẽ thay thế Thông tư số 15/2013/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.

Siêu thị Big C Dĩ An (Bình Dương) là một công trình xây dựng tiêu biểu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Theo số liệu nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, nếu việc thiết kế quy hoạch, thi công và vận hành công trình tốt chúng ta có thể tiết kiệm 30% nhu cầu tiêu dùng điện năng trong tòa nhà. Đây là một con số không nhỏ đóng góp đáng kể cho việc phát triển đô thị.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình dân dụng (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn từ 2.500 m² trở lên. Những quy định trong quy chuẩn này được áp dụng cho các bộ phận như: lớp vỏ bao che công trình; hệ thống thông gió và điều hòa không khí; hệ thống chiếu sáng; các thiết bị điện khác (động cơ điện, hệ thống cấp nước nóng).

Quy chuẩn cũng quy định rõ, quy định kỹ thuật đối với lớp vỏ bao che công trình chỉ áp dụng đối với các không gian có điều hòa không khí. Không gian có điều hòa không khí là không gian đóng kín bên trong công trình, được làm mát với công suất đầu ra lớn hơn 15 W/m² sàn sử dụng; hoặc được sưởi ấm với công suất đầu ra lớn hơn 15 W/m² sàn sử dụng.

Quy định kỹ thuật về thông gió và điều hòa không khí cho thấy, thông gió tự nhiên thì diện tích các lỗ thông gió, cửa sổ đóng mở được trên tường hoặc trên mái không được nhỏ hơn 5% diện tích (sàn) sử dụng. Đối với chung cư, diện tích phần cửa sổ đóng mở được phải có diện tích không nhỏ hơn 10% diện tích sàn của phòng.

Thông gió tự nhiên hoặc kết hợp với thông gió cơ khí của khu vực để xe (gara) phải đảm bảo các yêu cầu của Quy chuẩn QCXDVN 05:2008/BXD.

Thông gió lồng cầu thang thoát nạn phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn QCVN 06:2010/BXD và phải có thiết bị điều khiển tự động, cho phép đóng trong điều kiện sử dụng bình thường và mở khi có sự cố cháy nổ. Toàn bộ thiết bị thông gió, hút gió trong công trình phải có thiết bị kiểm soát tự động khi không có nhu cầu sử dụng. Quạt gió với mô tơ công suất lớn hơn 0,56 kW phải có thiết bị điều khiển tự động cho phép tắt quạt khi không có nhu cầu sử dụng.

Đối với hệ thống điều hòa thì thiết bị điều hòa không khí và máy sản xuất nước lạnh (Chiller) phải có chỉ số hiệu quả COP tối thiểu tại các điều kiện đánh giá tiêu chuẩn. Phải có bộ hẹn giờ tự động hoặc đóng mở thiết bị theo thời gian xác định hoặc theo thông số cài đặt cho thiết bị sản xuất nước lạnh (Chiller), cấp hơi nóng, quạt tháp giải nhiệt, máy bơm có công suất lớn hơn hoặc bằng 5 mã lực (3,7 kW). Các động cơ quạt của hệ thống thông gió và điều hòa không khí có công suất lớn hơn hoặc bằng 5 mã lực (3,7 kW) phải có bậc hiệu quả FEG (Fan Efficiency Grade) lớn hơn 67 khi xác định theo tiêu chuẩn AMCA 205. Vật liệu và chiều dày lớp cách nhiệt cho ống dẫn môi chất lạnh, ống dẫn nước lạnh, ống cấp và thu hồi gió phải được thiết kế, lắp đặt và nghiệm thu theo tiêu chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình.

Hệ thống chiếu sáng cũng được quy định cụ thể như chiếu sáng tự nhiên quy định trong các phòng làm việc, phòng học, phòng đọc thư viện, phải có bộ điều chỉnh liên tục chiếu sáng nhân tạo với độ sáng từ 100% đến dưới 15% ánh sáng đầy đủ và phải có khả năng tắt toàn bộ đèn chiếu sáng. Các yêu cầu điều khiển chiếu sáng đối với vùng chiếu sáng tự nhiên không áp dụng đối với các cơ sở y tế, căn hộ hoặc các công trình có yêu cầu sử dụng đặc biệt.

Chiếu sáng nhân tạo đòi hỏi yêu cầu về độ rọi nhỏ nhất trong nhà ở và nhà công cộng phải tuân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12:2014/BXD. Trong đó, điều khiển chiếu sáng được quy định đối với việc tự động tắt chiếu sáng thiết bị tự động tắt chiếu sáng khi không có nhu cầu sử dụng phải được thiết kế và lắp đặt cho các khu vực có diện tích không lớn hơn 2.500 m2 và không quá một tầng sàn. Mỗi thiết bị điều khiển tự động chiếu sáng được thiết kế và lắp đặt trên diện tích sử dụng không lớn hơn 250 m² cho mỗi khu vực rộng đến 1.000m² và không lớn hơn 1.000m² khi khu vực có diện tích lớn hơn 1.000 m² .

Khu vực đỗ xe (gara) trong nhà phải có thiết bị điều khiển chiếu sáng cho phép giảm ít nhất 30% công suất chiếu sáng của mỗi nguồn sáng khi không có hoạt động trong vùng được chiếu sáng.

Đối với nguồn chiếu sáng trong phạm vi cách tường bao ngoài 6m, có cửa và tường kính với tỷ lệ WWR ≥ 40%, phải có thiết bị điều khiển giảm công suất chiếu sáng khi có ánh sáng tự nhiên.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tuân thủ chặt chẽ các quy định của Quy chuẩn này trong thiết kế và vận hành các công trình sẽ góp phần tiết kiệm tổng năng lượng tiêu thụ từ 14 - 36% trong các công trình xây dựng. Trong đó, bệnh viện và khu dân cư là đối tượng có thể tiết kiệm nhiều điện năng nhất.

Theo báo Xây Dựng