Năng lượng phát triển

Đảm bảo công bằng khi chuyển dịch các nguồn năng lượng tại Việt Nam

Thứ tư, 19/9/2018 | 08:49 GMT+7
Ngày 18/9, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Friedrich Ebert Stiftung Việt Nam (FES Việt Nam) và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác, đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng” tại Hà Nội.

Phát triển các dạng năng lượng sạch và giảm các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường là một xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng làm thế nào để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và những cộng đồng có liên quan khi đẩy mạnh chuyển dịch trong lĩnh vực năng lượng, từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo (sinh khối, gió, mặt trời...) để sự chuyển dịch đó diễn ra công bằng và không gây ra những bất ổn xã hội vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Khái niệm “Chuyển dịch năng lượng công bằng” không còn xa lạ ở châu Âu và Bắc Mỹ nhưng vẫn là vấn đề tương đối mới ở châu Á. Chuyển dịch công bằng không chỉ đề cập đến tác động môi trường, mà còn bao gồm cả các thay đổi về kinh tế và xã hội cần thiết nhằm thúc đẩy sự dịch chuyển năng lượng trên phạm vi toàn cầu, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Hội thảo quốc tế: “Thúc đẩy hợp tác, đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng” đã tập trung nghiên cứu chỉ ra những ảnh hưởng về khía cạnh chính trị- xã hội mà quá trình chuyển dịch năng lượng này mang lại.

Đặc biệt, FES Vietnam và GreenID đang phối hợp thực hiện một nghiên cứu về cách thức để đạt được sự chuyển dịch công bằng trong ngành năng lượng ở Việt Nam. Để hỗ trợ quá trình nghiên cứu, hai hội thảo đã được tổ chức với sự hợp tác của các chuyên gia quốc tế đến từ tổ chức môi trường Sierra Club và Đại học UC Berkeley của Mỹ. Dự thảo đầu tiên của báo cáo, bao gồm những vấn đề chưa bao giờ được công bố ở Việt Nam như đánh giá về số lượng và chất lượng việc làm khi chuyển dịch năng lượng diễn ra, được các chuyên gia trình bày tại hội thảo quốc tế lần này.

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong khu vực và quốc tế về chủ đề chuyển dịch công bằng, như giới học giả, công đoàn và các nhà hoạch định chính sách, hội thảo quốc tế đi sâu phân tích về thực trạng của quá trình chuyển dịch công bằng ở châu Á và các khu vực khác trên thế giới, đồng thời chia sẻ kết quả của một nghiên cứu chung giữa tổ chức Bánh mì cho Thế giới và FES về việc chuyển dịch công bằng ở khu vực nam bán cầu.

Nghiên cứu của GreenID đã bước đầu giải đáp một số vần đề như: tiêu chí cho việc chuyển dịch năng lượng công bằng theo quan điểm chính trị xã hội; làm thế nào để các tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội đóng góp vào sự chuyển dịch công bằng trong lĩnh vực năng lượng; các cơ hội và thách thức liên quan đến việc chuyển dịch năng lượng công bằng.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, công suất nhiệt điện than vào năm 2030 đã giảm xuống 55.300 MW, chiếm khoảng 42,6% cơ cấu nguồn điện. Nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam” do GreenID thực hiện chỉ ra rằng nếu xem xét chi phí ngoại biên và ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam có cơ hội giảm tỷ trọng nhiệt điện than xuống khoảng 24,4%, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên khoảng 30%, đồng thời điện khí cũng sẽ có vai trò lớn hơn chiếm khoảng 22,8%.

Thông tin và dữ liệu công khai về tình hình việc làm hiện tại trong ngành năng lượng khá ít ỏi và không được phân định rõ ràng. Ước tính năm 2015 có khoảng 140.000 công nhân làm việc trong ngành khai thác than và 120.000 công nhân làm việc trong ngành điện. Số lượng công việc trực tiếp trong ngành khai thác than sẽ không tăng đáng kể vì các nhà máy điện trong tương lai sẽ nhập khẩu than là chủ yếu.

Một nghiên cứu mô hình ước tính rằng kịch bản phát triển thông thường trong QHĐ7 (Quy hoạch Phát triển Điện lực trước khi được điều chỉnh vào năm 2016) sẽ tạo ra 6,6 triệu năm việc làm từ năm 2015 cho đến năm 2050. Nghiên cứu đưa ra hai kịch bản thay thế: Kịch bản Năng lượng Bền vững (SES) tạo ra 8,6 triệu năm việc làm, và kịch bản Năng lượng Bền vững Tối ưu (ASES) tạo ra 11,6 triệu năm việc làm. Những kịch bản thay thế này giả định các biện pháp hiệu quả năng lượng được áp dụng và năng lượng mặt trời, sinh khối và gió phát triển mạnh.

Theo nghiên cứu “Hướng tới chuyển dịch cơ cấu năng lượng đảm bảo công bằng xã hội tại Việt Nam” do FES chủ trì thực hiện tháng 11/2017, kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu năng lượng thì việc làm được tạo ra cũng nhiều hơn. Trong khi tỷ lệ nữ công nhân vẫn còn thấp, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong các ngành liên quan đến năng lượng tái tạo lại cao hơn so với trong ngành sản xuất năng lượng truyền thống. Việc làm trong ngành năng lượng tái tạo thường “sạch và xanh” và đòi hỏi kỹ năng cao hơn so với ngành khai thác và vận chuyển than.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… đều bày tỏ quan điểm của mình về quá trình chuyển dịch năng lượng trên thế giới và khu vực, cống hiến một số kinh nghiệm quý báu giúp cho quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra công bằng và phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Cẩm Hạnh