Đánh giá môi trường chiến lược trong Quy hoạch điện VIII

Thứ tư, 12/8/2020 | 09:43 GMT+7
Hội thảo Ban đầu về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Viện Năng lượng tổ chức tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam đạt trung bình khoảng trên 10%/năm trong suốt giai đoạn 2011 – 2019. Phụ tải điện của Việt Nam theo dự báo vẫn còn tiếp tục tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021 – 2030 với tốc độ bình quân khoảng 8%/năm, giai đoạn 2031 – 2045 với tốc độ bình quân trên 4%/năm.

Quy hoạch điện VIII sẽ định hướng tương lai phát triển của ngành điện trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo; định lượng các mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ của các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch để bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước...

Hội thảo Ban đầu về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Quy hoạch điện VIII

Trong đó, ĐMC là một phần bắt buộc giúp đánh giá những tác động của môi trường từ các phương án phát triển điện lực, từ đó vạch ra phương án tối ưu nhất, giảm thiểu tác động bất lợi với môi trường. Các phương pháp sẽ được so sánh, đánh giá dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Về phương pháp đánh giá tác động đối với các vấn đề môi trường cốt lõi trong báo cáo ĐMC của Quy hoạch điện VIII, ông Nguyễn Thế Thắng, đại diện Viện Năng lượng cho biết: “Quy hoạch điện VIII diễn ra vào thời điểm ngành điện Việt Nam có nhiều thay đổi nhanh chóng. Những thách thức đối với Quy hoạch điện VIII bao gồm sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng trong nước, vượt qua được rào cản về hiệu quả năng lượng, đánh giá được tiềm năng của năng lượng tái tạo cũng như giảm nhẹ biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí và huy động tài chính trong khu vực tư nhân”.

Các vấn đề môi trường cốt lõi đã được Viện Năng lượng xây dựng, thảo luận với việc xác định một loạt các chỉ số cho ĐMC. Bên cạnh đó, báo cáo của ĐMC cũng đưa ra những lĩnh vực cần đổi mới để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như chi phí carbon tính cho phát thải khí nhà kính, đặc biệt từ nhiệt điện; vấn đề ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người. Ảnh hưởng của việc phát triển nhanh năng lượng tái tạo (đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời) đến tài nguyên đất.

Theo các chuyên gia, việc đánh giá tác động phải dựa trên các nghiên cứu thực tiễn để đưa ra các kịch bản phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay việc thiếu dữ liệu ở Việt Nam là một thách thức. Do đó, cần xem xét đến các các giá trị dựa trên các hệ số của quốc tế để áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng trình bày các định hướng lớn về chương trình phát triển nguồn như tuân thủ các chính sách hiện hành của nhà nước về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Hướng đến phát triển thêm quy mô lớn nguồn điện gió, mặt trời với mục tiêu, công suất nguồn điện gió gấp hơn 3 lần và điện mặt trời gấp gần 2 lần so với Quy hoạch điện VII và không xây dựng thêm nhiệt điện than mới giai đoạn 2026 - 2030.

Đức Dũng