Đất đai có vai trò quan trọng đối với biến đổi khí hậu

Thứ năm, 8/8/2019 | 11:00 GMT+7
Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) vừa công bố báo cáo đất đai và biến đổi khí hậu. Theo đó, các lựa chọn về quản lý đất đai bền vững có thể giúp làm giảm, và trong một số trường hợp, có thể đảo ngược các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu

Báo cáo chỉ ra rằng việc quản lý đất đai tốt hơn có thể đóng góp vào việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nhưng đó không phải là giải pháp duy nhất. Việc giảm phát thải khí nhà kính từ tất cả các lĩnh vực có vai trò quan trọng nếu sự ấm lên toàn cầu được giữ ở mức dưới 2 độ C, nếu không phải 1,5 độ C.

Năm 2015, các chính phủ đã ủng hộ mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm tăng cường phản ứng toàn cầu chống biến đổi khí hậu bằng cách giữ cho mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng đến 1,5 độ C.

Đất đai phải giữ được khả năng sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực khi dân số tăng và khi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với cây trồng tăng lên.

Năng lượng sinh học cần phải được quản lý một cách cẩn trọng nhằm tránh các rủi ro đến an ninh lương thực, đa dạng sinh học và suy thoái đất đai. Các kết quả mong muốn sẽ phụ thuộc vào chính sách đúng đắn và hệ thống quả trị ở từng nước.

Báo cáo Biến đổi Khí hậu và Đất đai phát hiện ra rằng thế giới được chuẩn bị tốt nhất để đối phó với biến đổi khí hậu khi tập trung tổng thể vào tính bền vững.

“Đất đai đóng vài trò quan trọng trong hệ thống khí hậu,” theo Jim skea, Đồng Chủ tịch Nhóm Công tác III của IPCC.

“Nông nghiệp, lâm nghiệp và các ngành sử dụng đất khác chiếm 23% phát thải khí nhà kính do con người gây ra. Đồng thời các quá trình đất tự nhiên hấp thụ CO2 tương đương khoảng 1/3 phát thải CO2 từ các loại nhiên liệu hoá thạch và ngành công nghiệp,” ông nói.

Quản lý đất đai bền vững góp phần chống biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

“Các lựa chọn về quản lý đất đai bền vững có thể giúp làm giảm, và trong một số trường hợp, có thể đảo ngược các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu,” theo Kiyoto Tanabe, Đồng Chủ tịch Nhóm Công tác về Kiểm kê Khí nhà kính Quốc gia.

“Trong tương lai với cường độ mưa lớn hơn thì nguy cơ xói mòn đất ở các vùng đất canh tác sẽ tăng lên, và việc quản lý đất đai một cách bền vững là cách để bảo vệ các cộng đồng khỏi các tác hại của xói mòn và lở đất. Tuy nhiên, có những hạn chế trong thực hiện, cho nên trong những trường hợp khác thì việc suy thoái là không thể tránh khỏi,” ông nói.

Gần 500 triệu người sống ở các khu vực bị sa mạc hoá. Đất đai khô cằn và những khu vực bị sa mạc hoá cũng dễ bị tổn thương hơn đối với biến đổi khí hậu và các sự kiện cực đoan như hạn hán, sóng nhiệt, và bão cát, dân số càng tăng thì sức ép càng lớn hơn.

Báo cáo đưa ra các lựa chọn để xử lý vấn đề suy thoái đất đai và ngăn ngừa hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu. Báo cáo cũng đánh giá các tác động tiềm tàng của các mức độ nóng lên toàn cầu khác nhau.

Theo bà Valérie Masson-Delmotte, Đồng Chủ tịch Nhóm Công tác I của IPCC: “Tri thức mới cho thấy rủi ro tăng lên ở các vùng khô cằn thiếu nước, hoả hoạn tàn phá, suy thoái ở khu vực đất bị phủ băng và sự bất ổn ở hệ thống lương thực, thậm chí kể cả khi mức độ nóng lên toàn cầu ở quanh ngưỡng 1,5 độ C,” . Đồng thời bà cũng cho rằng các nguy cơ rất cao liên quan đến suy thoái ở khu vực đất bị phủ băng và sự bất ổn ở hệ thống lương thực đã được xác định ở mức độ nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C.

IPCC, tổ chức quốc tế đánh giá thực trạng kiến thức khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu, những tác động và rủi ro tiềm tàng trong tương lai và các phản ứng có thể đưa ra để ứng phó, đã đưa ra Báo cáo Tóm tắt cho Các nhà Hoạch định Chính sách của Báo cáo Đặc biệt về Biến đổi Khí hậu và Đất đai (SRCCL) được các chính phủ trên thế giới thông qua ngày thứ Tư tại Geneva, Thuỵ Sỹ.

Huyền Châu