Năng lượng phát triển

Đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam có nhiều triển vọng

Thứ hai, 10/9/2018 | 15:30 GMT+7
Ông Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam khẳng định, với một nền kinh tế đang tăng trưởng như Việt Nam cùng các hoạt động thu hút FDI mạnh mẽ, con đường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ có nhiều triển vọng, giúp đảm bảo an ninh năng lượng.

Hội thảo Tích hợp năng lượng tái tạo: Thách thức và Công nghệ do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn ABB vừa diễn ra tại Hà Nội đã đề cập trực diện tới những khó khăn và thách thức của Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng, phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương), là một trong những nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, tạo ra những thách thức không nhỏ về đáp ứng nguồn năng lượng đang gia tăng mạnh.

Để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam đang ưu tiên, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Ông Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam cho biết, với một nền kinh tế đang tăng trưởng như Việt Nam, và các hoạt động thu hút FDI mạnh mẽ, con đường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ có nhiều triển vọng.

Quy hoạch Điện VII đặt mục tiêu nguồn điện tái tạo chiếm khoảng 10% quy mô công suất Hệ thống điện quốc gia vào năm 2030

Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch đầu tư phát triển các nguồn điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng, ABB và nhiều đối tác luôn hỗ trợ Việt Nam trong việc gia tăng nguồn cung năng lượng tái tạo, tiến đến thúc đẩy tỷ trọng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

"Dù mới làm việc tại ABB Việt Nam được 18 tháng, nhưng tôi đã kịp chứng kiến nhiều hoạt động đầu tư năng lượng tại Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng tăng nhanh, khiến Việt Nam gặp thách thức về đáp ứng đủ nguồn điện. Không còn con đường nào khác là phải đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đầu tư công nghệ, ứng dụng số hóa...", ông Brian Hull nói.

Trong bối cảnh an ninh năng lượng đang trở thành vấn đề “nóng”, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, năng lượng tái tạo đã được tính đến. Theo Quy hoạch Điện VII đã vạch ra các bước tích cực mà Việt Nam sẽ thực hiện để phát triển các nguồn năng lượng, đảm bảo yêu cầu cấp đủ điện cho nhu cầu của đất nước, trong đó mục tiêu nguồn điện tái tạo chiếm khoảng 10% quy mô công suất Hệ thống điện quốc gia vào năm 2030.

Quy hoạch VII đồng thời cũng chỉ ra sự thiết yếu của việc đầu tư vào lưới truyền tải điện linh hoạt và tự động hóa cao, từ truyền tải điện tới phân phối điện năng; cũng như việc phát triển các trạm biến áp và trạm biến áp không người trực. Ngoài ra, Quy hoạch Điện VII cũng nhấn mạnh phải đẩy nhanh Chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi, đảm bảo đến năm 2020, hầu hết số nông dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng điện.

Ông Venu Nuguti, Phó chủ tịch Cấp cao của Ban Thiết bị và Hệ thống điện ABB, Khu vực Nam Á, Trung Đông và châu Phi cho biết, khi Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, lưới điện sẽ cần phải thích nghi với nguồn điện năng lượng tái tạo, vốn là nguồn năng lượng không liên tục với đặc tính phát điện phân tán. Điều này khônh chỉ đòi hỏi sự hợp tác rộng rãi, chặt chẽ hơn trong ngành và sự hỗ trợ chính sách mà còn cần sự lựa chọn công nghệ phù hợp.

Công nghệ phù hợp sẽ giúp lưới điện hoạt động linh hoạt và thích ứng với mô hình phát điện phân tán và dòng điện đa hướng. Bởi vậy, số hóa chính là chòa khóa tạo ra năng lượng tương lai.

Phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong sản xuất điện.  Tuy nhiên, khi có sự tham gia của năng lượng tái tạo, thiết kế hệ thống truyền tải và phân phối điện cũng sẽ phải điều chỉnh so với thiết kế truyền thống.

Nhưng, điểm nghẽn lớn nhất khiến các dự án năng lượng tái tạo chưa thực sự phổ biến, đó là suất đầu tư quá lớn so với thủy điện hay nhiệt điện than.

Trong khi đó, các nhà đầu tư than rằng, các ngân hàng khó thẩm định tính khả thi và rủi ro của dự án đầu tư năng lượng sạch dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này càng thêm khó.

Theo báo Đầu tư