Văn hóa, du lịch

Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Thứ ba, 2/6/2020 | 15:40 GMT+7
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, khi mà các loại hình đa phương tiện chiếm ưu thế, thì một bộ phận người dân, nhất là người trẻ đang “hờ hững” với văn hóa đọc. Để khắc phục tình trạng trên Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã triển khai một loạt các hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Nhằm tích cực triển khai thực hiện hai đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” và “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Vụ Thư viện đã thúc đẩy một loạt các hoạt động, đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam” được xây dựng nhằm nâng cao năng lực của thư viện tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo cung ứng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu người sử dụng. Đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn, công bằng xã hội trong cung cấp thông tin và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, của nhân dân; góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện và phát triển đất nước bền vững.

Khuyến khích phát triển văn hóa đọc và quy định các thư viện có nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc

Trong bối cảnh Luật Thư viện sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới đây, Vụ rất khuyến khích phát triển văn hóa đọc và quy định các thư viện có nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc. Các thư viện phải phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện nhiệm vụ này, phục vụ nhân dân học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Hưởng ứng điều đó, vừa qua tại Hà Nội, Vụ Thư viện đã cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ký kết văn bản hợp tác phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời cho phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng.

Thông qua chương trình ký kết hợp tác lần này, Vụ kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hình thành thói quen đọc sách, thúc đẩy nhu cầu và phát triển văn hóa đọc trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt cho giới nữ. Bên cạnh đó, việc phối hợp với các nhà xuất bản còn giúp tăng cường nguồn tài liệu và các dịch vụ thư viện; hình thành môi trường đọc góp phần nâng cao dân trí, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Hiện nay, đa phần đối tượng đọc đều tập trung tại các thành phố lớn vì vậy Vụ mong muốn sẽ lan tỏa được văn hóa đọc đến người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Mặt khác, chương trình ký kết cũng tạo cơ hội và khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của phụ nữ, trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ khẳng định: “Nếu chúng ta quan tâm đúng mức, đầu tư đúng mức thì văn hóa đọc sẽ xây dựng nền tảng văn hóa trong một đất nước, một quốc gia tốt đẹp hơn và phát triển hơn. Chính vì vậy, ý nghĩa của việc chúng ta phát triển văn hóa đọc, xây dựng được Luật Thư viện là cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam”.

Quỳnh Ngọc (T/H)