Để miền Nam không thiếu điện: Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án!

Thứ năm, 15/9/2016 | 10:51 GMT+7
Là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng lại không cân đối được nguồn, trong khi hệ thống truyền tải chịu nhiều áp lực, do đó miền Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện nếu không có giải pháp quyết liệt.

Trung tâm điện lực Duyên Hải

Áp lực về điện

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương về vấn đề cấp điện cho miền Nam mới đây tại Trà Vinh, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm từ 2016-2020, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,5 - 7%, EVN đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện với 2 phương án tăng trưởng là 11,6%/năm (phương án cơ sở) và 13%/năm (phương án cao).

Với tổng công suất như hiện nay và các nguồn điện dự kiến sẽ hoàn thành từ nay đến 2020, EVN đảm bảo rằng khu vực miền Bắc và miền Trung được cấp điện đầy đủ và có dự phòng. Tuy nhiên, khu vực miền Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ thiếu điện với sản lượng hàng năm khoảng 10-15% nhu cầu vì không thể tự cân đối cung - cầu nội miền, các dự án nguồn và lưới đang gặp khó khăn về tiến độ.

Để đáp ứng nhu cầu về điện, từ năm 2017, dự kiến EVN sẽ phải huy động cao các nguồn điện chạy dầu ở miền Nam, khoảng 5 tỷ kWh. Riêng các năm 2018 và 2019 phải huy động khoảng 8,5 tỷ kWh/năm.

Trong khi đó, ngoài các nguồn điện tại chỗ, khu vực miền Nam cần khoảng 15 tỷ kWh năm 2017 và sẽ tăng tới 21 tỷ kWh vào năm 2019 qua hệ thống truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung. Tuy nhiên, hiện tại năng lực truyền tải điện vào miền Nam chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm (đạt ngưỡng giới hạn truyền tải Bắc - Nam) do khả năng truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung chỉ đạt tối đa 14-15 tỷ kWh/năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thiếu điện không chỉ ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, xuất khẩu, thu hút đầu tư của khu vực miền Nam mà còn gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia cũng như giá điện trong tương lai. Chi phí sản xuất điện bằng dầu sẽ đắt hơn 2 lần so với than và chắc chắn sẽ phải bù lỗ rất lớn. Ngoài ra là các hệ lụy khác có thể tác động đến môi trường, sinh thái.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các giải pháp cấp điện cho miền Nam

Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án

Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm đủ điện cho miền Nam, đồng thời phục vụ nhu cầu công nghiệp hoá, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, bên cạnh việc tăng năng lực truyền tải điện trục Bắc - Nam thì phát triển nhiệt điện tại các tỉnh ĐBSCL chính là giải pháp phù hợp nhất. Bên cạnh đó cần bảo đảm nhiên liệu cho các nguồn điện miền Nam, nhất là than cho nhiệt điện.

Theo ông Thành, giải pháp cấp bách nhất hiện nay là khẩn trương xây dựng đường dây 500 kV từ Vũng Áng-Dốc Sỏi-Pleiku nhằm tăng thêm khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào Trung khoảng 5 tỷ kWh/năm. Điều này sẽ giúp giảm thiểu được tình trạng thiếu điện tại miền Nam và giảm được sản lượng phải huy động các nhiệt điện dầu. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc thi công, đưa vào vận hành đúng tiến độ các tổ máy nhiệt điện khu vực miền Nam như Vĩnh Tân 1, Long Phú 1, Sông Hậu 1... vì nếu chậm tiến độ một trong các dự án này, miền Nam sẽ thiếu điện ngay năm 2019.

Cầu cảng chuyển than cho các nhà máy tại Duyên Hải

Đối với việc cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện, cần xây dựng cảng trung chuyển than phục vụ các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và các nhà máy khác trong khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu TKV tiếp tục hoàn thiện dự án cảng than tại khu vực Duyên Hải, Trà Vinh, trong đó có các phương án bảo đảm an toàn trong khai thác; thực hiện đánh giá tác động môi trường một cách cẩn trọng, khoa học.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN, TKV, PVN thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đường dây 500 kV Vũng Áng-Dốc Sỏi-Pleiku. Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nhiệt điện khu vực miền Nam, kể cả khu vực miền Trung, hạn chế thấp nhất việc dùng điện dầu. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ khai thác dự án khí lô B (năm 2021), chuẩn bị xây dựng các nhà máy nhiệt điện khí ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo khác, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN phải vào cuộc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhất trí với đề xuất của EVN và đề nghị sớm nghiên cứu, phát triển nguồn điện để nhập khẩu từ các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong.

PV/Đình Dũng