Đề xuất khung pháp lý cho ứng dụng lưới điện thông minh

Thứ sáu, 22/11/2019 | 14:59 GMT+7
Tại Hà Nội, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo tham vấn tổng kết “Đánh giá và đề xuất khung pháp lý cho ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả cho Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang cho biết: "Để thúc đẩy việc thực hiện Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục Điều tiết điện lực với sự hỗ trợ, phối hợp của GIZ và chuyên gia tư vấn quốc tế nghiên cứu, đưa một số đề xuất quan trọng đối với khung pháp lý cần được quy định trong thời gian tới. Tại hội thảo lần này, chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý của các cán bộ chuyên gia kỹ thuật để cùng với tư vấn rà soát, đánh giá, đề xuất khung pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế của lưới điện thông minh và hệ thống điện Việt Nam trong giai đoạn sắp tới…".

Theo ông Tobias Cossen, Giám đốc Dự án thuộc GIZ, tốc độ phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng nhanh tại Việt Nam trong 1 năm trở lại đây. Kế hoạch phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030 của Việt Nam cũng tương đối tham vọng, đặc biệt là các nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió vốn thay đổi theo điều kiện thời tiết. Chúng ta có thể thấy, hệ thống điện Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cả về kỹ thuật và tài chính. Vì vậy, cần phải nhanh chóng bổ sung các quy định pháp lý phù hợp để cho phép tích hợp tỷ lệ cao các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo mà không làm ảnh hưởng tới độ tin cậy cung cấp điện, chất lượng điện năng của hệ thống điện cũng như hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới giá điện bình quân toàn hệ thống”.

Hội thảo tham vấn tổng kết “Đánh giá và đề xuất khung pháp lý cho ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả cho Việt Nam”

Theo đánh giá, nền kinh tế phát trển nhanh trong những năm qua của Việt Nam là nhân tố chính khiến nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng mạnh. Sản lượng điện hàng năm của Việt Nam đã tăng hơn 20 lần, từ 8,6TWh năm 1990 lên 198TWh năm 2017 với tỷ lệ tăng hàng năm từ 9 - 13%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP. Tổng công suất điện lắp đặt Việt Nam đạt 50,3GW vào tháng 2/2019. Theo quy hoạch phát triển điện quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu tăng đáng kể tỷ lệ điện năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện sản xuất điện (800MW điện gió và 850MW điện mặt trời vào năm 2020). Trên thực tế, khoảng 400MW điện gió và 4.000 MW điện mặt trời sẽ được nối vào điện lưới vào cuối năm 2019.

Tại hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế đã trình bày kết quả nghiên cứu, đánh giá khung pháp lý hiện tại của Việt Nam, đưa ra các bài học kinh nghiệm quốc tế; đồng thời, đề xuất khung pháp lý quan trọng cho ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả. Trên cơ sở đó, đưa ra một số khuyến nghị đối với khung pháp lý và quy định hiện hữu tại Việt Nam như: cần cơ chế tài chính hấp dẫn để thu hút các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo tham gia vào thị trường cân bằng năng lượng, dịch vụ phụ trợ; quy định và cơ chế cụ thể để kiểm soát tắc nghẽn lưới điện…

Đình Tú