Đời sống, xã hội

Đồng loạt bán thực phẩm sạch

Thứ ba, 8/12/2015 | 17:33 GMT+7
Các siêu thị và hệ thống cửa hàng bán lẻ đồng loạt thực hiện bán rau củ, thịt sạch đồng loạt. Bắt đầu từ ngày 7-12, có nhiều điểm bán thực phẩm sạch...

Sau thông tin về hàng loạt vụ kinh doanh rau củ, thực phẩm nhiễm bẩn bị phát hiện, không đảm bảo an toàn, các siêu thị và hệ thống cửa hàng bán lẻ đồng loạt thực hiện bán rau, thịt theo tiêu chuẩn sạch để đảm bảo bữa ăn an toàn cho mọi người.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đang tích cực chạy đua tổ chức, xây dựng các chuỗi sản xuất, phân phối khép kín các loại rau củ, thịt có kiểm soát an toàn thực phẩm.

Người dân chọn mua rau củ sạch được bày bán tại siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM.

Bán rau củ, thịt sạch đồng loạt

Bắt đầu từ ngày 7-12, có tới 176 điểm bán hàng của hệ thống Saigon Co.op đồng loạt bán các loại nhu yếu phẩm như thịt heo, rau củ đạt chuẩn an toàn và thực phẩm tươi sống theo chuẩn VietGap, VietGap nhãn xanh. Có mặt tại Co.op Mart Lý Thường Kiệt (Q.10) lúc 15g cùng ngày, chúng tôi ghi nhận quầy rau củ VietGap và VietGap nhãn xanh đông hơn bình thường. “Chị vẫn hay mua ở quầy mới này, bữa nay có thêm thông tin chi tiết về sản phẩm, nhãn dán logo VietGap nên không phải băn khoăn nhiều khi lựa chọn” - chị Như Khương, nhân viên văn phòng ở đường Bà Hạt (Q.10), chia sẻ.

Tại một số siêu thị Co.op Mart, trong khoảng vài năm nay, các mặt hàng rau đạt chuẩn rau sạch, VietGap đã được bày bán thí điểm. Đại diện Co.op Mart cho biết lượng hàng bán ra tăng bình quân 2,5 lần mỗi năm, nên đơn vị này mạnh dạn triển khai đồng loạt bán các mặt hàng rau củ VietGap, thịt heo sớm nhất.

“Hổm rày thấy báo chí viết rau củ mất an toàn quá trời, giờ ra đường không biết mua gì ăn mà không có độc. Mấy bữa vô siêu thị tôi phải đi tìm hiểu từng loại, đem ra so sánh rồi mới quyết định chọn cái gì cho bữa ăn hằng ngày. Dù sao thì rau đạt tiêu chuẩn, dán nhãn đảm bảo là thấy an tâm” - cô Lê Thị Bé, khách tại siêu thị, nói.

Hệ thống Vissan cũng đồng loạt bán tại 221 điểm bán bao gồm các cửa hàng tiện lợi, siêu thị... Ghi nhận tại cửa hàng Vissan trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1), thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGap và thịt bò Úc nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn ESCAS (giết mổ nhân đạo và an toàn vệ sinh thực phẩm) cũng đã được nhận diện bằng bảng chỉ dẫn cụ thể, có thêm thông tin cho người dân đi mua sắm.

“Hôm nay tui mới thấy cái chỉ dẫn VietGap này, vẫn mua hằng ngày nhưng có thêm mấy cái chứng nhận này càng an tâm hơn” - anh Đinh Văn Đạt (đường Trương Định, Q.1) cho biết.

Ông Nguyễn Thành Nhân, tổng giám đốc hệ thống Saigon Co.op, cho biết tại các quầy hàng đều có bảng hướng dẫn để người tiêu dùng dễ nhận diện sản phẩm VietGAP. “Ngoài việc tự kiểm tra tại nguồn hàng, trung tâm phân phối và điểm bán, các siêu thị sẽ tổ chức mời người tiêu dùng cùng tham gia quá trình kiểm tra hàng hóa tại quầy có đạt chuẩn chất lượng hay không, trước mắt sẽ thực hiện tại Co.op Mart Lý Thường Kiệt và sau đó luân phiên tại các siêu thị khác” - ông Nhân nói.

Thậm chí, nếu muốn kiểm tra bất kỳ sản phẩm nào mà không cần phải đợi siêu thị tổ chức ở những điểm quy định sẵn, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng các dụng cụ thử nhanh đang được lắp đặt sẵn ở siêu thị để tự đánh giá.

Người dân chọn mua rau củ sạch được bày bán tại siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM. 

Kiểm soát chất lượng từ nhà vườn đến bàn ăn

Theo ông Nhân, ngoài 4.000 mặt hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn hằng ngày của người dân như gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, mì, bột ngọt, đồ hộp, bánh kẹo, thực phẩm chế biến... đều đạt các chứng nhận ISO, HACCP, GMP, hệ thống Saigon Co.op còn có 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà và trứng gà đạt tiêu chuẩn VietGap đã được Saigon Co.op duy trì kinh doanh từ nhiều năm nay và đang được tiếp tục tăng cường.

Đặc biệt, việc đưa vào kinh doanh sản phẩm thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP ở các siêu thị Co.op Mart và Co.op Food trên địa bàn TP.HCM thông qua việc liên kết với Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn... là một bước tiến rất đáng khích lệ.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng thông qua chương trình chuỗi thực phẩm an toàn mà UBND TP đang xây dựng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở nào chưa hoàn thiện được quy trình sản xuất để hoàn chỉnh hơn quá trình sản xuất của mình, từ đó giúp việc truy xuất và giám sát được tại nguồn là nguồn gốc thực phẩm/sản phẩm đó bắt nguồn từ đâu.

Đặc biệt, theo ông Hòa, sau khi các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện đầy đủ quá trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ xác nhận vào chứng từ để khi các sản phẩm này lưu thông ra thị trường sẽ có sự khác biệt so với các sản phẩm khác đang lưu thông trên thị trường, giúp người tiêu dùng tự phân biệt, lựa chọn khi mua hàng.

Trước mắt, Sở Công thương đã nhận được đăng ký bán thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP từ Công ty Vissan cho sản phẩm thịt heo, bò; thịt gà, thịt heo của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn; các sản phẩm rau sạch của cơ sở Anh Đào; thịt heo và rau an toàn của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn... tại các hệ thống phân phối mà những doanh nghiệp này đang có.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Lâm, tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại Saigon Food, cho biết dù chưa tham gia chương trình mô hình chuỗi thực phẩm an toàn do TP.HCM phát động, nhưng công ty cũng tự áp dụng mô hình này vào trong quy trình sản xuất từ năm 2008 tới nay, theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP và BRC (hệ thống truy xuất nguồn gốc), nên đã kiểm soát cũng như đánh giá được toàn bộ nguồn cung ứng nguyên liệu của mình là đảm bảo chất lượng.

“Việc xúc tiến tham gia chương trình chuỗi thực phẩm an toàn của Saigon Food sẽ được nhanh chóng triển khai, vì ngoài bốn hệ thống phân phối hiện có của công ty, Saigon Food cũng đang cung ứng thực phẩm chế biến công nghiệp cho rất nhiều hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ thực phẩm nên tiến độ thực hiện nhanh thôi” - bà Lâm khẳng định.

Phát triển chuỗi thực phẩm khép kín

Tại hội nghị lãnh đạo sở công thương các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ triển khai kế hoạch cung ứng hàng Tết Bính Thân 2016 do Bộ Công thương và Sở Công thương TP.HCM tổ chức sáng 7-12, bà Lê Việt Nga, phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng rất cần xây dựng chuỗi khép kín trong thực phẩm nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp người dân biết được ở đâu có thực phẩm an toàn để đi mua.

Theo bà Nga, sản xuất ở VN hiện còn nhiều hộ nhỏ lẻ, manh mún nên cần hướng họ phải làm quen việc phân phối hàng đến các điểm bán hàng có uy tín. Khi họ sản xuất ổn định, có đủ vốn có thể tự mình xây dựng chuỗi khép kín phân phối cho sản phẩm của mình, khi đó sẽ đảm bảo an toàn cho thực phẩm.

Cũng theo bà Nga, điểm mới năm nay là có thêm các đơn vị sản xuất với quy mô lớn, chất lượng được quản lý từ trang trại cho đến điểm bán, nơi phân phối. Họ có hệ thống quản lý riêng nên phải có trách nhiệm với thương hiệu của mình.

Chi cục quản lý nông lâm thủy sản sẽ quản lý khâu sản xuất, quản lý thị trường, quản lý phân phối nên phải hợp tác với nhau chặt chẽ mới kiểm soát được.

Bà Nga nói: “Tôi mong có thêm thật nhiều những chuỗi phân phối theo chiều dọc, tự sản xuất rồi phân phối sẽ đảm bảo chất lượng an toàn cho sản phẩm”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa (phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM): phải truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

Chưa bao giờ việc cần phải truy xuất cho được nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên cấp bách như hiện nay.

Do đó, việc tổ chức lại hoạt động sản xuất tại nguồn, cũng như kiểm tra sự kết nối từ nguồn cung cấp cho tới điểm bán cụ thể là hết sức quan trọng.

Bởi trong thực tế, nguồn cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi sản phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc lại tràn lan không kiểm soát được.

Có tin thực phẩm bẩn, hãy báo thongtinvipham@mard.gov.vn

Bộ NN&PTNT vừa quyết định trao phần thưởng trị giá 2 triệu đồng cho ông Nguyễn Quyền Anh (chủ hộ chăn nuôi ở Hoài Đức, Hà Nội), người đã báo thông tin một công ty thức ăn chăn nuôi bán cám kèm gói bột trắng chứa salbutamol hàm lượng cao cho một số trang trại nuôi tập trung trên địa bàn. Sau khi nhận được thông tin, ngày 2-12 bộ này đã kiểm tra và phát hiện vụ việc.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết người dân và các chủ trại, hộ chăn nuôi phát hiện về thực phẩm bẩn có thể gửi về địa chỉ thongtinvipham@mard.gov.vn. 

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ