Quốc tế

EVN: Chủ động quản lý hồ đập thủy điện

Thứ bảy, 22/4/2017 | 11:31 GMT+7
  Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường quản lý hồ đập và phòng chống thiên tai để đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết.

EVN đã chỉ đạo, kiểm tra giám sát chặt chẽ các đơn vị thủy điện

Nghiêm túc chấp hành các quy định

Hiện, EVN đang quản lý 37 công trình thủy điện; trong đó 35 công trình đã đi vào vận hành, 2 công trình đang trong quá trình xây dựng (Trung Sơn, Sông Bung 2). Tổng dung tích các hồ chứa thủy điện của EVN là 44,73 tỷ m3; trong đó, 11 hồ chứa có dung tích trên 1 tỷ m3 như: Hòa Bình, Sơn La, Trị An, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Thác Mơ, Lai Châu, Pleikrông.

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết: Nhận thức được vai trò, nhiệm vụ quan trọng trong quản lý, vận hành an toàn các nhà máy thủy điện, đáp ứng các yêu cầu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như giảm nhẹ thiên tai, EVN đã chỉ đạo, kiểm tra giám sát chặt chẽ các đơn vị thủy điện trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của các bộ, ngành về công tác quản lý vận hành hồ chứa thủy điện. Tính đến hết năm 2016, 100% thủy điện của EVN có quy trình vận hành hồ chứa đã được Bộ Công Thương phê duyệt, 35/37 quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, (2 hồ chưa có là Sông Bung 2 và Trung Sơn vì đang xây dựng). Hầu hết các thủy điện đã lập phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du được các cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc đã trình chờ phê duyệt.

Giảm thiểu tác động thiên tai

Theo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) EVN, năm 2016, có 10 cơn bão và nhiều cơn áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam. Ngoài ra, còn có các dạng thiên tai khác như băng tuyết, lốc xoáy, mưa lũ... đã gây thiệt hại cho ngành điện gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ có sự chủ động, tập trung chỉ đạo, điều hành trong phòng ngừa; chuẩn bị, khắc phục hậu quả nhanh chóng nên đã giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cho công trình và hệ thống điện; khôi phục cấp điện trở lại tại những khu vực bị ảnh hưởng sớm nhất. Nổi bật là hệ thống điện đã vận hành an toàn trong mùa mưa, bão lũ, bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy điện.

Trong công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện, các đơn vị đã tuân thủ nghiêm túc theo quy trình vận hành liên hồ được phê duyệt; thường xuyên theo dõi chặt chẽ, kịp thời diễn biến tình hình khí tượng thủy văn; báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin với lãnh đạo địa phương và các ban, ngành liên quan để nhận sự chỉ đạo, phối hợp ứng xử kịp thời. Nhờ đó, năm 2016, các hồ thủy điện đã điều tiết hợp lý phục vụ chống hạn, đẩy mặn, cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung.

Theo ông Ngô Sơn Hải, năm 2017, dự báo thời tiết sẽ có nhiều cực đoan. Vì vậy, tất cả các đơn vị thực hiện nghiêm các quy chế về PCTT&TKCN của tập đoàn, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch cụ thể phương án phòng, chống lũ, bão, giảm nhẹ thiên tai. Ngoài ra, các đơn vị cần hoàn tất công tác kiểm tra, sửa chữa thiết bị, công trình…, bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ.

Lãnh đạo EVN yêu cầu các đơn vị cần tăng cường phối hợp hơn nữa với các cấp chính quyền địa phương nhằm xử lý, khắc phục nhanh nhất các tình huống thiên tai, lụt bão; đồng thời chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng.

Nguồn: Báo Công Thương