Năng lượng phát triển

EVNCPC: Vượt lên khó khăn mang điện đến với vùng khó khăn

Thứ ba, 21/1/2020 | 10:07 GMT+7
Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) là đơn vị khó khăn nhất trong 5 đơn vị phân phối điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, EVNCPC đã đạt được những thành quả hết sức to lớn, đóng góp quan trọng vào quá trình phát phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và nâng cao dân trí tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Đó là khẳng định của ông Trương Thiết Hùng, Chủ tịch HĐTV EVNCPC với Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam.

Ông Trương Thiết Hùng, Chủ tịch HĐTV EVNCPC

Năm 2019 là năm kỷ niệm 44 năm ngày thành lập đồng thời cũng là năm ghi dấu một diện mạo mới của EVNCPC đi vào hoạt động hoàn thiện theo mô hình tổ chức HĐTV, TGĐ và KSV theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Xin ông cho biết những thành tích đạt được của EVNCPC trong năm vừa qua?

Trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2019, ngoài việc đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các công trình nguồn và lưới điện nhằm đảm bảo nhu cầu tăng trưởng của phụ tải (bình quân 10% năm), phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trên 13 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, EVNCPC đã tập trung nguồn lực để đầu tư cấp điện cho các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo còn nhiều khó khăn.

Các dự án đầu tư cấp điện cho các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo đã góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mặt khác, ngành điện đã cùng với địa phương xây dựng hạ tầng, hoàn thiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giúp phát triển kinh tế tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Năm 2019, sản lượng điện thương phẩm toàn EVNCPC đạt 19,303 tỷ kWh, đạt 100,8% kế hoạch EVN giao (19.150 Tr.kWh), tăng 9,93% so với thực hiện năm 2018 (17.559,4 Tr.kWh). Tổn thất điện năng thực hiện 4,67%, thấp hơn 0,45% so cùng kỳ, thấp hơn 0,03% so với kế hoạch phấn đấu, về đích sớm 1 năm so với lộ trình EVN giao đến năm 2020. Độ tin cậy cung cấp điện và suất sự cố tiếp tục được cải thiện, chỉ số SAIDI đạt 284,84 phút, đạt 70,86% kế hoạch năm, giảm hơn 588 phút so với năm 2018, về đích sớm 1 năm so với lộ trình độ tin cậy cung cấp điện EVN giao năm 2020. Cụ thể: SAIDI thực hiện 284,84 phút; giảm 67,40% so với năm 2018. SAIFI thực hiện 2,63 lần; giảm 59,50% so với năm 2018. MAIFI thực hiện 1,15 lần; giảm 48,16% so với năm 2018.

Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, năm 2019 EVNCPC tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức và ngày 16/11/2019, EVN đã công bố quyết định điều động và bổ nhiệm ông Trương Thiết Hùng, Chủ tịch HĐTV EVNGENCO2 giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV EVNCPC kể từ ngày 15/11/2019 thay ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN kiêm Chủ tịch HĐTV EVNCPC. Như vậy, việc kiện toàn bộ máy tổ chức này thực hiện theo Đề án sắp xếp tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 – 2020 đã được phê duyệt. Trong đó, EVNCPC hoạt động theo mô hình Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

Năm 2019, sản lượng điện thương phẩm toàn EVNCPC đạt 19,303 tỷ kWh, đạt 100,8% kế hoạch EVN giao

EVNCPC quản lý 13 đơn vị thành viên trải dài từ Quảng Bình tới Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông. Đây cũng là địa bàn khó khăn, trình độ dân trí thấp… Xin ông cho biết những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện sản xuất, kinh doanh của mình?

Đối với Tổng công ty Điện lực miền Trung, hoạt động trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố trải dài từ Quảng Bình tới Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông, điều kiện thời tiết khu vực miền Trung khắc nghiệt, thiên tai bão lũ, nắng nóng, hạn hán… thường xuyên diễn ra; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đi lại còn khó khăn, đời sống và kinh tế của nhân dân trong khu vực còn nghèo, bán kính cấp điện xa, phụ tải công nghiệp ít và nhỏ bé… đã gây những khó khăn trong quá trình thực hiện sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty. Mặt khác, mặc dù địa bàn EVNCPC quản lý có diện tích gần 1/3 và số dân xấp xỉ 15% so với cả nước, nhưng sản lượng điện của EVNCPC chỉ chiếm 10%, có thể nói chúng tôi là đơn vị khó khăn nhất trong 05 Tổng công ty phân phối của EVN.

Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết gắn bó, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, chung sức chung lòng, bền bỉ phấn đấu với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của tập thể lãnh đạo và CBCNV; trong gần 45 năm qua, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã đạt được những thành quả hết sức to lớn, đóng góp quan trọng vào quá trình phát phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và nâng cao dân trí tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.

Đến nay khu vực miền Trung và Tây Nguyên hệ thống lưới điện các cấp điện áp từ 110kV trở xuống đã vươn dài đến các địa phương, đã có 100% số huyện, 100% số xã đất liền, trên 99,17% số hộ nông thôn, miền núi được sử dụng điện lưới, hoàn thành vượt các mức yêu cầu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 ngày càng được quan tâm, phát triển trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện. EVNCPC đã và đang làm gì để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn này, thưa ông?

EVNCPC nhận định rằng, CMCN lần thứ 4 với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ số sẽ thay đổi sâu sắc đến hoạt động vận hành hệ thống điện và cung cấp dịch vụ điện cho khách hàng. Do đó, Tổng công ty luôn xác định ứng dụng công nghệ mới, CNTT vào trong hoạt động SXKD để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng quản lý điều hành và giải quyết công việc là một trong những giải pháp hết sức quan trọng. Từ nhận định trên, trong những năm qua, EVNCPC đã đưa ra các kế hoạch nghiên cứu, đầu tư, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, CNTT một cách phù hợp.

Đến nay, EVNCPC cũng đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Về dịch vụ khách hàng, 12/12 dịch vụ điện lực đã được cung cấp trực tuyến, ngày 09/12/2019 vừa qua, Chính phủ công bố khai trương cổng Dịch vụ công Quốc gia với 8 dịch vụ công thì ngành điện có 3 dịch vụ được lựa chọn. Về vận hành hệ thống điện, hiện nay 121/121 TBA 110kV đã chuyển qua hoạt động mô hình không người trực; hơn 3.000 thiết bị đóng cắt trên lưới được thu thập và điều khiển từ xa (chiếm 81,7%); 3,914 triệu công tơ điện tử đã được lắp đặt cho khách hàng, chiếm 91,22% công tơ bán điện; trong đó có 3,337 triệu công tơ điện tử được thu thập dữ liệu tự động bằng hệ thống RF Spider là công nghệ do EVNCPC nghiên cứu và sản xuất thay thế cho việc đến từng nhà khách hàng ghi chữ như trước đây. Về hoạt động quản lý điều hành, EVNCPC cũng đã sớm ứng dụng công nghệ ký số vào hoạt động quản lý điều hành, trong năm 2019 hơn 200.000 văn bản của Tổng công ty đã được ký số (tỷ lệ khoảng 97%), 100% số văn bản được luân chuyển, lưu trữ hoàn toàn trên môi trường số giúp Tổng công ty tiết kiệm rất nhiều chi phí văn phòng, chi phí chuyển phát nhanh, nhân công lưu trữ cũng như hỗ trợ minh bạch hóa công tác xử lý văn bản, nâng cao hiệu quả công việc. Cùng với việc đưa dữ liệu lưới điện, khách hàng, CBCNV đã được đưa lên môi trường số với hơn 70 phần mềm hỗ trợ tất cả các mảng công tác, về cơ bản Tổng công ty đã ứng dụng công nghệ mới và CNTT thay thế triệt để cho các công tác thủ công đòi hỏi rất nhiều lao động.

Với quá trình số hóa mạnh mẽ của EVNCPC trong thời gian qua, cùng với sự phát triển bùng nổ các công nghệ số trong cuộc CMCN 4.0 sẽ là cơ hội lớn để EVNCPC tăng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng với các xu hướng chính: tự động hoá và tối ưu quy trình, thấu hiểu và nâng cao trải nghiệm khách hàng, di động hoá các ứng dụng nghiệp vụ hiện trường, phân tích dữ liệu, an toàn an ninh thông tin, ôtô điện và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.         

Tổng công ty đã có những bước chuẩn bị rất cơ bản: mua thử nghiệm xe điện năm 2017; chế tạo thành công trạm sạc xe điện, di động hoá các nghiệp vụ hiện trường năm 2018; triển khai thử nghiệm nền tảng quản lý quy trình nghiệp vụ (Business Process Managerment - BPM) để tự động hoá và tối ưu quy trình, nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý các hình ảnh hiện trường năm 2019; đây là những bước chuẩn bị để EVNCPC hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2030, khối lượng công việc tăng 200% nhưng số lượng CBCNV sẽ giảm một nửa (6.000 người).

EVNCPC hoạt động trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố trải dài từ Quảng Bình tới Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên

Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực đang được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Xin ông cho biết quan điểm của EVNCPC về lĩnh vực này và những kết quả liên quan đến lĩnh vực này EVNCPC đã triển khai thời gian vừa qua?

EVNCPC nhận thức được tác dụng của năng lượng tái tạo đối với lợi ích kinh tế của khách hàng, góp phần bảo vệ môi trường, chủ trương khuyến khích sử dụng năng lượng sạch của Chính phủ trong bối cảnh các nguồn phát điện truyền thống ngày càng khan hiếm, đắt đỏ và nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế xã hội tăng cao. EVNCPC ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi, tích cực vận động khách hàng đầu tư lắp đặt năng lượng tái tạo, nổi bật là điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN) để đảm bảo ổn định hệ thống điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

EVNCPC đã và đang thực hiện tuyên truyền, quảng bá về ĐMTMN rộng rãi đến khách hàng qua nhiều hình thức: Gửi thư kèm hướng dẫn thủ tục đấu nối với lưới điện, tuyên truyền lợi ích về ĐMTMN trên nhiều kênh thông tin qua website, báo chí, quảng bá tại các hội nghị tri ân khách hàng, hỗ trợ thông tin 24/7 thông qua các kênh chăm sóc khách hàng, tổ chức hội thảo phát triển ĐMTMN.

Từ 2016, EVNCPC đã giao cho Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung đầu tư nghiên cứu và cung cấp giải pháp, lắp đặt, dịch vụ tư vấn cho khách hàng về ĐMTMN; EVNCPC thực hiện ký thỏa thuận đấu nối, lắp đặt công tơ 2 chiều, ký hợp đồng mua bán điện, thanh toán cho khách hàng lắp đặt ĐMTMN ngay khi có hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, EVNCPC đã thực hiện đầu tư Nhà máy ĐMT Điện lực miền Trung (50 MWp) và ĐMTMN ở tất cả trụ sở Điện lực thuộc Tổng công ty và TBA 110 KV do Tổng công ty quản lý, đến cuối 2019 đã hoàn thành 256 địa điểm với tổng công suất lắp đặt đạt 8,38 MWp. Đến cuối năm 2019, trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên đã có 4.131 khách hàng đầu tư lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt đạt 96,21 MWp, tổng lượng điện năng phát ra lưới từ các hệ thống ĐMT đạt 38,36 triệu kWh.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, xin ông cho biết những nhiệm vụ và giải pháp EVNCPC đặt ra để hoàn thành các nhiệm vụ, đóng góp cho sự phát triển ngành điện?

Năm 2020 EVNCPC đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: thực hiện nghiêm túc chủ đề năm của EVN là “Tập trung hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020” và EVNCPC chọn năm 2020 là “Năm An toàn lao động” với mục tiêu là nâng cao năng lực lưới điện, đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, ổn định, an toàn, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của 13 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, không để xảy ra tai nạn lao động. Đặc biệt, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, EVNCPC cũng đặt ra các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu như: Điện thương phẩm thực hiện 20,140 tỷ kWh, tăng 7,96% so với năm 2019. Tổn thất điện năng phấn đấu thực hiện thấp hơn 4,7%. Tiết kiệm điện đạt 2% thương phẩm. Độ tin cậy cung cấp điện thực hiện MAIFI 2,15 lần; SAIDI 402 phút; SAIFI 8,73 lần. 100% Công ty điện lực thành viên triển khai 1 cửa liên thông, trên 90% số lượt yêu cầu dịch vụ điện được thực hiện trực tuyến, 100%, thông tin khách hàng, hồ sơ mua bán điện được số hóa, mức độ hài lòng khách hàng đạt trên 8 điểm; phát triển Điện mặt trời mái nhà trong khách hàng phấn đấu đạt trên 100 MWp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Huyền Châu (thực hiện)