Văn hóa, du lịch

Festival nghề truyền thống Huế 2017 tôn vinh “Tinh hoa nghề Việt”

Thứ năm, 6/4/2017 | 13:45 GMT+7
Festival nghề truyền thống Huế 2017 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến hết ngày 2/5. Du khách, người dân Huế sẽ được thưởng ngoạn nhiều hoạt động nghề sống động, tinh hoa của bao thế hệ nghệ nhân trong không gian trữ tình bên bờ sông Hương và cầu Trường Tiền.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Thừa Thiên Huế, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Festival chuyên đề Huế 2017 phát biểu.

Trên 300 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú... đến từ các làng nghề nổi tiếng

Nhằm khôi phục, gìn giữ và phát triển các nghề và làng nghề thủ công truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch, UBND TP Huế đã tổ chức được 6 lần Festival nghề truyền thống và đã trở thành nơi hội tụ, trí tuệ và tài năng của các nghệ nhân đến từ các làng nghề của Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương trong cả nước. Festival nghề truyền thống Huế 2017 là năm thứ 7 chương trình diễn ra.

Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu về Festival, ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Festival chuyên đề Huế 2017 khẳng định: “Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế Cố đô xanh - di sản thế giới - Thành phố an toàn và thân thiện.

Festival nghề truyền thống Huế 2017 không chỉ là cuộc dạo chơi về văn hoá mà còn có ý nghĩa về kinh tế, đây là cơ hội để nghệ nhân các làng nghề có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp không chỉ trong nước mà còn mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống”.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh cho biết, Festival nghề truyền thống Huế 2017 gồm 13 nhóm nghề: Thêu, Kim hoàn, Mộc mỹ nghệ, Đồng, Gốm, Nón lá, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh làng Sình, Dệt - May, Mây tre, Pháp lam, các sản phẩm khác có thương hiệu và truyền thống lâu đời.

Festival nghề truyền thống Huế 2017 với sự tham gia của trên 300 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huê.

Ngoài ra còn sự tham gia của các quốc gia có các thành phố quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế: thành phố Takayama, thành phố Saijo, thành phố Shizuoka, Công ty thêu Shuei (Nhật Bản), Quận Dongnae, thành phố Busan (Hàn Quốc), Công ty Lục Thuận Đại Tử Sa (thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).

Lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ diễn ra vào 20h ngày 28/4/2017 tại sân khấu Quảng trường Quốc Học. Đây là chương trình ca múa nhạc đặc biệt kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật với ngôn ngữ hiện đại, trên nền bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu đất nước quê hương, giới thiệu Huế, các ngành nghề đặc trưng, tinh hoa thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Chương trình có sự tham dự của các nghệ sĩ, diễn viên, các NTK Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, các người mẫu đến từ Hà Nội, Huế, TP HCM và nghệ nhân các làng nghề. Tổng Đạo diễn: NSND Hữu Từ, Đạo diễn Quang Tú.

Bên cạnh đó, không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề sẽ hiện diện ở: Bảo tàng Văn hóa Huế, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên Phan Bội Châu, công viên Tứ Tượng, công viên Lý Tự Trọng, Trung tâm văn hóa Làng nghề Phương Nam, Tịnh Tâm Kim Cổ (278 Đinh Tiên Hoàng), không gian Văn hóa Lục Bộ (79 Nguyễn Chí Diểu), không gian may áo dài nhanh. Tại các không gian này, du khách được trải nghiệm, tiếp xúc với những sản phẩm, nghệ nhân đã sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng độc đáo.

Sau lễ khai mạc, chương trình thời trang Hội tụ bản sắc châu Á Hội tụ bản sắc châu Á sẽ diễn ra vào lúc: 20h ngày 29/4/2017 tại sân khấu Quảng trường Quốc Học với các bộ sưu tập độc đáo trên chất liệu dệt may truyền thống của 19 nhà thiết kế Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia và Tây Ban Nha.

"Festival đã tạo ra thị trường mới cho các sản phẩm truyền thống của Việt Nam"

Điểm nhấn của Festival là Lễ hội Áo dài với chủ đề Hội họa Huế và áo dài diễn ra vào: 20h ngày 30/4/2017 tại Cầu Trường Tiền. NTK Minh Hạnh cho biết, đây là cuộc gặp gỡ giữa tinh hoa hội họa Huế và các nhà thiết kế Hà Nội, Huế, TPHCM.

 “Hội họa Huế đã trải qua thời gian dài và có rất nhiều tên tuổi không chỉ làm rạng danh cho mảnh đất Huế mà còn đóng góp thành tựu lớn cho mỹ thuật đất nước. Chủ đề Hội họa trong tà áo dài thực sự là cuộc gặp gỡ ý nghĩa của áo dài và hội họa Huế”, NTK Minh Hạnh chia sẻ.

Tác phẩm hội hoạ của các cố hoạ sĩ Tôn Thất Đào, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Võ Xuân Huy và các hoạ sĩ Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Phan Thanh Bình, Nguyễn Thiện Đức, Lê Văn Nhường, Lê Đức Hải, Hải Brother, Lê Ngọc Thanh, Đặng Mậu Triết, Lê Phan Quốc, Nguyễn Đình Dàng, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Đăng Sơn đã truyền cảm hứng sáng tác cho các NTK Minh Hạnh, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Quang Huy, Chu La, Vũ Việt Hà, Hiền Đặng, Ngọc Hân, Thanh Thuý, Xuân Hảo, Duy Nguyễn, Vũ Trần Đức Hải, Nhi Hoàng, Quang Tân, Xuân Hảo, Viết Bảo, Khánh Shyna, Hữu La La.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ: “BST của tôi lấy ý tưởng từ tranh của họa sĩ Nguyễn Đình Dàng ở Huế. Tôi vận dụng hoa văn, họa tiết, màu sắc của tranh, đưa các họa tiết theo bố cục hiện đại để thể hiện nét đẹp của Huế cũng như vẻ đẹp của bức tranh trên tà áo dài.

Điều đặc biệt trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đình Dàng là sử dụng chất liệu dát vàng ở trên tranh, những bức tranh sơn mài được khảm vàng, những chất liệu tạo nên sắc độ 3D.

Với chất liệu vàng, kim cương, những viên đá quý trên tà áo dài, tôi cũng sắp xếp theo bố cục của tranh để tạo nên BST áo dài không chỉ mang tính ứng dụng mà còn góp phần quảng bá văn hóa từ hội họa cũng như nét đẹp của Huế và những nghề thủ công truyền thống Việt Nam như nghề kim hoàn, mỹ nghệ,…”.

NTK Minh Hạnh chia sẻ câu chuyện về tác động tích cực của Festival: “Cách đây 5 năm khi tôi được tham dự Festival làng nghề truyền thống Huế, những sản phẩm như đan lát của làng nghề Bao La lúc đó chỉ là một tổ hợp nhỏ và cần số vốn 30 triệu đồng để có thể nuôi sống tổ hợp. Cách đây một tháng, tôi ghé lại làng Bao La, khi tôi đề nghị đặt hàng thì họ xin lỗi không đặt được nữa. Tôi hỏi tại sao thế thì hóa ra đơn hàng của họ đã kín rồi. Có thể nói. Festival đã tạo ra thị trường mới cho các sản phẩm truyền thống của Việt Nam”.

Trong khuôn khổ của Festival cũng diễn ra chương trình nghệ thuật mừng Tổ quốc thống nhất tối 30/4 do Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế biểu diễn; Lễ Tế tổ bách nghệ, lễ rước, vinh danh nghệ nhân, làng nghề và bế mạc diễn ra: từ 16h đến 22h.

Nhiều hoạt động hưởng ứng, hoạt động cộng đồng như liên hoan sắc màu tuổi thơ, liên hoan diều, triển lãm ảnh, ca Huế thính phòng, không gian thư pháp, biểu diễn võ cổ truyền, cờ người, lễ hội khinh khí cầu, âm nhạc đường phố... được tổ chức.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lần đầu tiên sẽ giới thiệu hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa hoàng cung Huế về đêm từ ngày 22/4 đến 15/9/2017 tại Đại Nội với nhiều hoạt động phong phú đa dạng...; Không gian giới thiệu ẩm thực ba miền được tổ chức tại Công viên 3 tháng 2.

Nhiều hoạt động có ý nghĩa khác cũng diễn ra như: Triển lãm các bộ sưu tập cổ vật quý liên quan các nghề thủ công truyền thống; Bình chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đặc sản lần thứ nhất; Chương trình giới thiệu phim và ca múa nhạc nghệ thuật giao lưu các diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc; Các công ty du lịch với các tour đến với các làng nghề, các điểm tham quan như tour du lịch trải nghiệm Đúc Đồng (Phường Đúc), nhà vườn Thủy Biều, Kim Long...

Nguồn: Dân trí