Sức khỏe

Gần 500.000 trẻ sơ sinh tử vong do ô nhiễm không khí

Thứ tư, 21/10/2020 | 14:27 GMT+7
Mới đây, Viện Ảnh hưởng sức khoẻ (HEI) và Viện Đo lường và Đánh giá sức khoẻ (IHME) tại Đại học Washington và Đại học British Columbia đã công bố Báo cáo Tình trạng không khí toàn cầu 2020.

Theo số liệu thống kê, ô nhiễm không khí đã góp phần khiến gần 500.000 trẻ sơ sinh tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019. Cụ thể, ô nhiễm bụi mịn trong nhà và ngoài trời đã góp phần gây ra cái chết của nhiều trẻ sơ sinh trong những tháng đầu tiên của cuộc đời. Gần 2/3 số ca tử vong có liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu rắn như than củi, gỗ và phân động vật để nấu nướng, sưởi ấm.

Trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời rất dễ bị tổn thương. Ngày càng nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong giai đoạn thai kỳ sẽ dẫn đến việc sinh con nhẹ cân và sinh non. Tình trạng nhẹ cân và sinh non đều có liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng, chiếm phần lớn các trường hợp tử vong ở giai đoạn sơ sinh (1,8 triệu ca vào năm 2019).

Tiến sĩ Susan Niermeyer, chuyên gia nghiên cứu về trẻ sơ sinh tại Đại học Colorado chia sẻ, bà mong muốn dự án Gánh nặng bệnh tật toàn cầu sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí và vấn đề trẻ sơ sinh nhẹ cân/sinh non. Bởi vấn đề này không được các chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách thực sự chú trọng.

Ông Dan Greenbaum, Chủ tịch HEI cho biết: “Sức khỏe của trẻ sơ sinh vô cùng quan trọng đối với tương lai của mọi xã hội và những bằng chứng mới nhất này cho thấy mối nguy cơ cao đe dọa sức khỏe trẻ em sinh ra ở Nam Á và châu Phi vùng cận Sahara”.

“Mặc dù đã có dấu hiệu giảm dần và đều đặn của việc sử dụng nhiên liệu kém chất lượng trong các hộ gia đình, nhưng ô nhiễm không khí phát sinh từ những nhiên liệu này vẫn là yếu tố then chốt dẫn đến việc trẻ sơ sinh tử vong”, ông Dan Greenbaum nhấn mạnh.

Ô nhiễm không khí gây nên những hệ lụy xấu đến sức khỏe của trẻ nhỏ

Bên cạnh đó, tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời đã góp phần gây ra hơn 6,7 triệu ca tử vong hàng năm do đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi, bệnh phổi mãn tính và bệnh sơ sinh, trên toàn thế giới vào năm 2019. Đối với trẻ sơ sinh, hầu hết các ca tử vong đều liên quan đến các biến chứng do sinh con nhẹ cân và sinh non. Nhìn chung, ô nhiễm không khí hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trong số tất cả các nguy cơ sức khỏe, chỉ xếp sau hút thuốc và chế độ ăn uống kém.

Tình trạng ô nhiễm không khí đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng việc thi hành các chính sách lâu dài giúp cải thiện chất lượng không khí ở một số quốc gia vẫn chưa phát huy hoặc phát huy rất ít hiệu quả. Đặc biệt tại các quốc gia ô nhiễm nhất ở Nam Á và châu Phi, như Nepal, Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ vẫn đang trong giai đoạn ô nhiễm không khí ở mức rất cao. Phân tích cho thấy số ca tử vong do ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn một nửa tổng số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu, tức khoảng 2,3 triệu ca trong năm 2019.

Báo cáo cũng nêu rõ thách thức đang đặt ra do tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong nhà do đốt nhiên liệu rắn, điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới trẻ sơ sinh mà còn tác động đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Mặc dù đã giảm 11% trong thập kỷ qua, nhưng vẫn còn 49% dân số thế giới (tương đương 3,8 tỷ người) vẫn phải hít thở không khí ô nhiễm trong nhà do nấu nướng vào năm 2019. 

Nhận thấy những ảnh hưởng xấu từ việc đốt nhiên liệu rắn trong nấu nướng, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách mạnh mẽ trong việc loại bỏ và cấm sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt.

Thanh Bảo