Năng lượng sạch

Giá cao, điện khí khó tham gia thị trường điện

Thứ năm, 12/9/2019 | 14:22 GMT+7
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam diễn ra sáng ngày 12/9 tại Hà Nội.

Ông Đoàn Hồng Hải, Trưởng phòng Nhiệt điện và điện hạt nhân, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết không có điện khí sẽ thiếu điện, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Hiện nay cả nước có 7.200 MW điện khí chiếm khoảng 16% tổng công suất hệ thống, trong đó: khu vực Đông Nam Bộ với 10 nhà máy có tổng công suất 5.700 MW: các nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa và nhà máy Nhơn Trạch 1,2 sử dụng nguồn khí mỏ Nam Côn sơn, Cửu Long. Khu vực Tây Nam Bộ với 2 nhà máy Cà Mau 1,2 có tổng công suất khoảng 1500 MW sử dụng nguồn khí mỏ PM3, Cái Nước. Tổng sản lượng điện khoảng 45 tỷ kWh/năm chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện hệ thống.

Giá đầu tư điện khí cao nên khó khăn tham gia thị trường điện

Ông Hải cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW điện khí chiếm khoảng 15,6% tổng công suất các nguồn điện và điện năng sản xuất chiếm khoảng 19% tổng sản lượng điện.

Đến năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 19.000 MW điện khí chiếm khoảng 14,7% tổng công suất các nguồn điện và điện năng sản xuất chiếm khoảng 17% tổng sản lượng điện.

Các nhà máy điện sử dụng nguồn khí trong nước gồm Miền Trung 1,2;  Dung quất 1,2,3 (750 MW/nhà máy) sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh; Ô Môn 2,3,4 (1050 MW/nhà máy) sử dụng khí Lô B; TBKHH Quảng Trị (375 MW) sử dụng khí mỏ Báo Vàng. Các nhà máy sử dụng LNG nhập khẩu gồm Sơn Mỹ 1 (3x750 MW); Sơn Mỹ 2 (3x750 MW); Nhơn Trạch 3,4 (750 MW/nhà máy).

Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, Bộ Công Thương đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia các nhà máy điện khí CTHH sử dụng nguồn nhiên liệu LNG nhập khẩu tại các địa điểm thuận lợi cho phát triển NMĐ, Kho cảng LNG như: Long Sơn, Cà Ná...

Tuy nhiên, để điện khí phát triển được ông Hải cho rằng hiện còn gặp một số khó khăn như giá điện cao nên khó khăn trong tham gia thị trường điện. Chưa có đầy đủ các quy định và cơ chế để thu hút đầu tư. Vốn đầu tư lớn nên khó thu hút các thành phần kinh tế tư nhân tham gia thực hiện. Nguồn khí trong nước có hạn nên phụ thuộc vào nguồn LNG nhập khẩu từ nước ngoài, giá LNG phụ thuộc vào thị trường thế giới. Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án khí điện sử dụng LNG. Khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm phù hợp để xây dựng kho cảng LNG tại khu vực gần trung tâm phụ tải.

 

 

T. Phương