Giải pháp xanh đối với các công trình cấp và chứa nước an toàn

Thứ bảy, 29/8/2020 | 17:02 GMT+7
Tốc độ đô thị hóa và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng bởi thiên tai hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh đang là vấn nạn nguy hại, khiến ngành cấp nước đứng trước nhiều thách thức phải tháo gỡ. Nhằm xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn cấp nước trong giai đoạn hiện nay, mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức buổi hội thảo Vật tư thiết bị cấp nước an toàn.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 8/2020, cả nước có 833 đô thị các loại (2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, 22 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 86 đô thị loại IV, 646 đô thị loại V). Tỷ lệ đô thị hóa tính đến tháng 6/2020 là hơn 39%. Dân số đô thị tăng nhanh đang tạo ra sức ép đối với hạ tầng đô thị nói chung và ngành cấp nước nói riêng về nhu cầu sử dụng quá tải.

Tổng công suất thiết kế của các nhà máy nước hiện nay đạt khoảng 9 triệu m3/ngày đêm; tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 85% với mức bình quân khoảng 105 lít/người/ngày đêm. Song, tỷ lệ thất thoát nước sạch tính trung bình mất khoảng 21%.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội thảo Vật tư thiết bị cấp nước an toàn

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định: Các vật tư, thiết bị trong lĩnh vực cấp thoát nước đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật…

Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ những thách thức và khó khăn hiện nay đối với nguồn tài nguyên nước Việt Nam. Cụ thể, nguồn nước mặt hiện chỉ có khoảng 37% lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam, còn lại 63% từ nước ngoài chảy vào (nguồn này phụ thuộc vào sự điều tiết bên ngoài, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, nhất là khó quản lý nguồn, ô nhiễm nguồn, hạn hán, xâm nhập mặn, phèn, ngập úng).

Nguồn nước dưới đất tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên... Do nhiều đô thị trong khu vực khai thác quá mức nên mực nước ngầm đang suy giảm nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, nguồn nước mưa, nước lợ, nước biển... có trữ lượng lớn nhưng hiện chưa được xem là tài nguyên và chưa có công nghệ xử lý nên khó khai thác.

Giải pháp xanh từ công trình cấp nước sạch tại xã biển Bạch Đông huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau 

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, ngành nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức liên quan tốc độ đô thị hóa, cơ chế chính sách, năng lực quản lý, nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước, tác động của biến đổi khí hậu, nguồn vốn, nguồn nhân lực… Do đó, cần có các giải pháp xanh đối với ngành nước. Đó là sử dụng nước hiệu quả và an toàn với công nghệ xử lý nước thông minh, tiết kiệm năng lượng; quản lý nước thông minh và quản lý rủi ro hướng tới bảo đảm cấp nước an toàn; vật tư, thiết bị ngành nước tiết kiệm năng lượng, an toàn và thân thiện môi trường; quy trình vận hành công trình thông minh…

Bên cạnh đó cũng có nhiều đề xuất các địa phương triển khai ngay việc áp dụng "giải pháp xanh" đối với các công trình cấp nước đô thị gồm: sử dụng nước hiệu quả và an toàn; sử dụng nước tiết kiệm; thu gom, lưu giữ và sử dụng nguồn nước mưa nhằm nâng tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%, với mức bình quân khoảng 120 lít/người/ngày đêm và giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch tối thiểu nhất.

Kim Huyền